Đắk Lắk có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguồn tài nguyên phong phú cùng sự đa dạng trong văn hóa của 49 dân tộc, truyền thống cách mạng hào hùng… đã tạo ra nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Bên cạnh khai thác các tiềm năng, lợi thế, ngành Du lịch Đắk Lắk cùng cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hoạt động quảng bá và liên kết phát triển du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ. Qua đó, góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch.
Dấu ấn riêng biệt
Năm 2024 là năm thành công của ngành Du lịch Đắk Lắk; trong đó có việc phát triển các buôn du lịch cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 7 buôn du lịch cộng đồng, chủ yếu ở 3 địa phương trọng điểm về du lịch của tỉnh là: thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và huyện Buôn Đôn. Tại mỗi buôn, người dân được đầu tư, hướng dẫn, đào tạo để xây dựng sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng biệt và thu hút du khách.
Buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) được công bố buôn du lịch cộng đồng năm 2024. Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú) cho biết, năm 2022, các hộ dân trong buôn cùng nhau làm du lịch để vừa bảo tồn văn hóa, vừa tạo thêm thu nhập. Buôn được chính quyền các cấp cùng với sở, ngành quan tâm hỗ trợ công trình vệ sinh, khu trưng bày sản phẩm OCOP, nhà trưng bày, tu sửa các tuyến đường và lắp đèn chiếu sáng, tập huấn về du lịch cộng đồng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với nhiều lợi thế sẵn có về tập quán sinh hoạt độc đáo và văn hóa của người Ê Đê, nhà dài truyền thống, văn hóa cồng chiêng..., người dân nơi đây tự tin, quan tâm đầu tư vào sản phẩm để đón du khách đến trải nghiệm, tham quan du lịch.
Ngoài ra, ngành Du lịch Đắk Lắk còn phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp. Với lợi thế về đất đai, khí hậu, tiềm năng, những năm qua, du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được hình thành, thu hút, hấp dẫn du khách tham quan. Bên cạnh làm mới hoạt động trải nghiệm thu hoạch cà phê, ca cao, bơ, năm 2024, trên địa bàn tỉnh có thêm mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp về nấm; hoạt động trải nghiệm, tham quan và thưởng thức sầu riêng tại vườn.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh cho biết, hoạt động trải nghiệm, thưởng thức sầu riêng miễn phí tại vườn và tham quan cây sầu riêng cổ thụ là một trong những điểm nhấn của Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ 2, năm 2024, được du khách đánh giá cao. Qua đó, góp phần mang lại thành công cho Lễ hội và triển vọng phát triển sản phẩm du lịch mới cho địa phương. Thời gian tới, huyện Krông Pắc xung phong xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, gắn nông nghiệp với du lịch; góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước theo hướng thương mại - dịch vụ.
Năm 2024, các tour/tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được mở rộng. Đặc biệt, địa phương đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Đắk Lắk với 16 tỉnh, thành phố và Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, tìm ra các giải pháp mới để nâng cao hiệu quả công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Nhờ đó, tổng thu từ du lịch của tỉnh đạt 1.255 tỷ đồng (tăng 21,25% so với năm 2023). Tổng số khách đến địa phương đạt 1,5 triệu lượt (tăng 15,83% so với năm 2023); trong đó khách quốc tế đạt 40.630 lượt. Đây là tín hiệu tốt về sự phục hồi nhanh, hiệu quả của ngành Du lịch Đắk Lắk, đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh trong năm qua.
Kích cầu du lịch nội địa
Năm 2025, Đắk Lắk phấn đấu tổng thu từ du lịch đạt 1.600 tỷ đồng; tổng số khách đón tiếp đạt 2 triệu lượt, trong đó chú trọng vào thị trường du lịch nội địa. Để kích cầu du lịch, ngay từ đầu năm 2025, tỉnh tổ chức chương trình đón vị khách du lịch thứ “Một triệu, năm trăm ngàn” và đoàn khách du lịch đầu tiên đến tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Chị Lưu Minh Lan (du khách đến từ quận Long Biên, thành phố Hà Nội) cho biết, chị đã nhiều lần đến du lịch tại Đắk Lắk; song lần nào cũng ấn tượng về vùng đất đáng sống này cùng những người dân thân thiện, mến khách. Nơi đây có những nét văn hóa riêng và khí hậu thiên nhiên ưu đãi. Đầu năm 2025, chị cùng gia đình đi du lịch Đắk Lắk 1 tuần để tạo động lực lao động và học tập cho một năm mới. Các điểm đến là cụm Thác Gia Long - Dray Nur, hồ Lắk, Buôn Đôn và khám phá các địa danh khác.
Đến Đắk Lắk du lịch trong những ngày đầu năm 2025, anh Vũ Văn Vang (tỉnh Hải Dương) cho biết, đến Đắk Lắk, điều đầu tiên anh nghĩ đến là voi Buôn Đôn. Bên cạnh đó qua tìm hiểu, anh được biết tỉnh đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng. Do đó, anh quyết định đến đây du lịch những ngày đầu năm 2025 để khám phá, tham quan, trải nghiệm thực tế.
Để kích cầu du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kích cầu du lịch năm 2025. Theo đó, bên cạnh chính sách ưu đãi chung, tỉnh dự kiến có những chính sách ưu đãi dành cho người dân địa phương; đồng thời, có chính sách ưu đãi cho du khách đến từ 16 tỉnh, thành phố và Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - trong vùng liên kết đến Đắk Lắk du lịch. Lễ phát động kích cầu du lịch dự kiến diễn ra trong tháng 2/2025. Cùng với đó, năm 2025, tại Đắk Lắk sẽ diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 và chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025) kỳ vọng sẽ góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, hạn chế trong phát triển du lịch địa phương hiện nay là chưa kêu gọi được các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu, điểm du lịch. Một số dự án đầu tư về du lịch được các nhà đầu tư đăng ký nhiều nhưng tiến độ còn chậm và hiệu quả thấp. Do đó, thời gian tới, ngành tiếp tục kêu gọi, khuyến khích đầu tư các khách sạn cao cấp hạng 3 - 5 sao, cơ sở lưu trú chất lượng cao; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch để tạo thuận tiện cho du khách, đặc biệt là quảng bá rộng rãi về du lịch Đắk Lắk trên cái nền tảng số. Đồng thời, ngành tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường lành mạnh trong phát triển du lịch, tạo công bằng cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh những giải pháp từ các sở, ngành, địa phương, thời gian qua, sự phát triển của Hiệp hội du lịch Đắk Lắk cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đa dạng sản phẩm du lịch và đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ du khách đã và đang đưa ngành Du lịch tỉnh phát triển bền vững. Cùng với đó, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa đang được khẩn trương thi công, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng kỳ vọng sẽ liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch, đưa du khách "lên rừng, xuống biển", góp phần gia tăng doanh thu cho ngành.
Hoài Thu