Công bố Buôn du lịch cộng đồng Kuốp, Đắk Lắk

Ngày 15/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố Buôn du lịch cộng đồng Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana.

nha_dai_homestay_20240315152557.jpg
Một ngôi nhà dài truyền thống tham gia du lịch cộng đồng tại buôn Kuốp. Ảnh: baodaklak.vn

Buôn Kuốp được hình thành từ năm 1953, đến nay buôn có 306 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (Ê Đê, M’nông) chiếm 73%. Buôn Kuốp ở cách trung tâm xã 8km, cách thành phố Buôn Ma Thuột 21km, trên cung đường từ thác Dray Nur đi thác Dray Sáp Thượng (còn gọi là thác Gia Long), thuận tiện giao thông đi lại. Đồng bào trong buôn duy trì nhiều nét văn hóa truyền thống lâu đời như: diễn tấu cồng chiêng, hát Ai ray, múa xoang, lễ cúng bến nước, lễ cúng mừng lúa mới, lễ cúng mừng thọ… Ngoài ra, trong buôn có 50 nhà dài truyền thống; có các nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc, làm rượu cần, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm; có các món ẩm thực như cơm lam, gà nướng, trải nghiệm câu cá trên sông Sêrêpốk, đốt lửa trại tại bến nước buôn Kuốp...

Bà H’Nó Hđơk, Buôn trưởng buôn Kuốp cho biết, thực hiện Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh Đắk Lắk về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, buôn Kuốp được UBND tỉnh chọn để đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, buôn được hỗ trợ 12 hạng mục như: hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, cải tạo cảnh quan môi trường; hỗ trợ xây dựng, lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, bảng thông tin, nội dung thuyết minh điểm đến... để du khách thuận tiện đi lại, tìm hiểu thông tin. Một số hộ gia đình trong buôn được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phục vụ khách du lịch, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, đi trải nghiệm thực tế tại các tỉnh có thế mạnh về du lịch cộng đồng như Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa. Qua đó, Ban Quản lý du lịch cộng đồng buôn Kuốp và các hộ gia đình trong buôn đã định hướng xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hoá dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, huyện Krông Ana có nhiều tiềm năng để xây dựng, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng… Bên cạnh đó, được thiên nhiên ưu đãi, Krông Ana mang vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ, hùng vĩ của dòng sông Sêrêpốk và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên nhiều thác, ghềnh nổi tiếng. Thời gian qua, huyện đã chú trọng đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề, chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần bảo tồn và phát huy, định hình các làng nghề truyền thống. Đây là những lợi thế để huyện phát triển du lịch nói chung, phát triển du lịch cộng đồng nói riêng. Về phía tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo đầu tư cơ sở hạ tầng cho buôn Kuốp, đến nay đã được hoàn thiện.

Để phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Kuốp được bền vững, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu đề nghị, Ban Quản lý du lịch cộng đồng buôn Kuốp và các hộ dân chủ động đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ du khách tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng. Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khảo sát, xây dựng tour, tuyến để đưa khách du lịch sử dụng dịch vụ du lịch, trải nghiệm khám phá đời sống văn hóa và hoạt động của buôn. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về du lịch để buôn phát huy tối đa sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư trong việc quản lý, khai thác từ du lịch cộng đồng; đảm bảo chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch an toàn, văn minh, chuyên nghiệp.

Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ công bố Buôn du lịch cộng đồng đối với buôn Ako Dhông (thành phố Buôn Ma Thuột) vào ngày 3/3 và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) vào ngày 8/3. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 buôn du lịch cộng đồng.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm