Đặc sản hạt điều Bình Phước có thêm 10 sản phẩm OCOP 4 sao

Đặc sản hạt điều Bình Phước có thêm 10 sản phẩm OCOP 4 sao

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành quyết định về việc công nhận kết quả chấm điểm, phân hạng và cấp giấy chứng nhận Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) năm 2023 tỉnh Bình Phước.

Đặc sản hạt điều Bình Phước có thêm 10 sản phẩm OCOP 4 sao  ảnh 1 Giới thiệu sản phẩm hạt điều Bình Phước trên mạng xã hội. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Tại quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã công nhận kết quả chấm điểm, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận 15 sản phẩm OCOP hạng 4 sao thuộc Chương trình OCOP năm 2023; trong đó, riêng sản phẩm hạt điều, có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao.

Các sản phẩm từ hạt điều Bình Phước được công nhận OCOP 4 sao năm 2023 gồm: Hạt điều rang muối (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đất Đỏ Bình Phước); Hạt điều rang muối (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Khánh Sâm, địa chỉ tại huyện Bù Gia Mập); sản phẩm hạt điều rang muối (Công ty Green Lotus, địa chỉ huyện Bù Đăng); hạt điều rang muối; hạt điều rang muối vỏ lụa; kẹo hạt điều (Công ty Mỹ Lệ, địa chỉ huyện Phú Riềng).

Sản phẩm kẹo hạt điều; kẹo hạt điều gừng; hạt điều rang muối; hạt điều rang nguyên vị; hạt điều lụa (Công ty cổ phần Hà Mỵ, địa chỉ huyện Đồng Phú).

Bên cạnh đó, có 5 sản phẩm khác được chứng nhận OCOP 4 sao năm 2023 gồm: Cà phê bột Robusta; cà phê hạt Robusta (Công ty cổ phần Hà Mỵ, địa chỉ huyện Đồng Phú).

Bưởi da xanh (Hợp tác xã Đa Kia, địa chỉ huyện Bù Gia Mập); sản phẩm yến sào (Nhà yến Bốn Xê, địa chỉ thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng); bưởi cam (Công ty Thái Hòa Phát Bình Phước, địa chỉ huyện Đồng Phú).

Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Phước, kết quả chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao năm 2023 có giá trị trong 3 năm, kể từ ngày quyết định được ký ban hành.

Hiện nay diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước duy trì khoảng 152.000 ha, chiếm 50% diện tích cây điều của cả nước; trong đó, diện tích trồng điều của các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn khoảng 50.000 ha.

Không những đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng điều, hiện nay trên địa bàn Bình Phước còn có hơn 1.400 cơ sở chế biến đều vừa và nhỏ (đứng đầu cả nước), giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động. Mỗi năm tổng giá trị của ngành điều Bình Phước mang lại đạt trên 33.000 tỷ đồng.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nhân điều đã mang về cho địa phương hơn 1 tỷ USD/năm. Giá trị ngành điều Bình Phước, bao gồm cả khâu chế biến cộng với lượng điều được nhập khẩu thì cụm ngành điều đang tạo ra hơn 10% GRDP toàn tỉnh.

Sỹ Tuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm