Nhà nông Bình Phước bảo vệ vườn điều trước thời tiết diễn biến phức tạp

Nhà nông Bình Phước bảo vệ vườn điều trước thời tiết diễn biến phức tạp

Vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2023, "thủ phủ điều" Bình Phước đang vào cao điểm mùa trổ bông, đậu trái. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhiều diện vườn điều nên người dân đang tích cực chăm sóc vườn, chủ động phòng ngừa dịch bệnh.

Nhà nông Bình Phước bảo vệ vườn điều trước thời tiết diễn biến phức tạp ảnh 1 Thời tiết bất thường gây héo bông, đen trái điều ở huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước). Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Sau Tết Nguyên đán, hộ gia đình anh Hồng Khanh ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập đang khẩn trương thuê nhân công để phát, dọn cỏ vườn điều gần 5 ha. Theo anh Khanh, vào thời điểm sau Tết, vườn điều đã ra bông nhiều và bị kết trái non. Đây là thời điểm nhà nông trồng điều tất bật bắt tay làm sạch vườn để chờ thu hoạch.

Anh Hồng Khanh cho biết: Vườn điều nhà anh năm nay ít sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt hơn mọi năm. Việc don cỏ sạch sẽ hạn chế sự xuất hiện của sâu bệnh và các nguồn bệnh khác.

Trong những ngày qua, việc cơn mưa trái mùa đã xuất hiện khiến người dân trồng điều lo lắng. Đến thời điểm này, vườn điều được mùa hay không vẫn chưa đoán được. Bởi sau Tết đã xuất hiện cơn mưa trái mùa báo hiệu mùa điều đang bị tác động không tốt bởi thời tiết.

Hiện nay, nhiều người trồng điều đang tích cực chăm sóc vườn điều để giúp cây phát triển tốt trong quá trình ra bông đậu trái, hạn chế thấp nhất tác động gây hại từ thời tiết cực đoan.

Còn gia đình ông Điểu Dũng ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập cũng đã phun thuốc bảo vệ thực vật để tăng hiệu quả đậu trái, phòng trừ sâu bênh sau khi trời đổ mưa. Với diện tích khoảng 7 ha, đến thời điểm này việc dọn vườn cơ bản đã thực hiện gần 70% khối lượng công việc. Tuy nhiêu, theo ông Dũng đến thời điểm này cây điều vẫn trong quá trình đậu trái non, ra bông nên thu hoạch còn khoảng 1 tháng nữa.

Ông Điểu Dũng cho biết: "Gia đình tôi cũng đã chủ động chăm sóc vườn từ sớm chứ không đợi đến kỳ ra hoa. Đặc biệt là phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để kịp thời phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại như thán thư, bọt xít muỗi".

Cũng theo ông Dũng, nhờ vào tích cực tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, tìm hiểu rõ từng loại sâu, bệnh nên gia đình dễ dàng chọn thuốc phòng trị kịp thời, theo dõi vườn nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường để kịp thời ứng phó.

Tại nhiều địa phương có nhiều diện tích trồng điều của tỉnh Bình Phước, sau các đợt ra quân hướng dẫn, tập huấn chăm sóc vườn điều, ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt trong việc chủ động thăm vườn, tạo tán, tỉa cành, bón phân và xịt thuốc đúng quy trình nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng liên tục tuyên truyền khuyến cáo người dân không nên chủ quan vì thời tiết diễn biến phức tạp, cần thường xuyên kiểm tra vườn điều để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh phát sinh cũng như có biện pháp khắc phục khi mưa trái mùa và có sương.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập Phan Văn Hà cho biết, thời điểm này bà con chú ý theo dõi tình hình thời tiết, thường xuyên thăm vườn và thực hiện các biện pháp kỹ thuật đúng theo hướng dẫn để vườn điều đạt năng suất và chất lượng cao.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước có hơn 150.000 ha điều. Cây điều đang trồng chủ lực tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp...

Bình Phước được xem là "thủ phủ điều" của cả nước. Tỉnh này cũng đã quy hoạch phát triển ngành điều của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh, xen canh. Gắn sản xuất với công nghiệp chế biến hạt điều.

Đồng thời, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, chủ động kiểm soát chất lượng, khắc phục tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm