Kim Lan - Một trung tâm sản xuất gốm Thăng Long thời Đại Việt

Kim Lan - Một trung tâm sản xuất gốm Thăng Long thời Đại Việt
Kim Lan xưa cũng như nay, nằm ở bờ Bắc sông Nhị - nay vẫn được gọi là Hồng Hà, chỉ cách Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 7-8 km theo đường thủy, do đó, nó là một vị trí đắc địa để tạo lập nên trung tâm sản xuất gốm (xây dựng lò, chuyên chở nguyên vật liệu và sản phẩm gốm bằng đường sông). Có lẽ, ở vào thời gian tám, chín thế kỷ trước, Kim Lan cũng giống như Bát Tràng, là hai cơ sở sản xuất vô cùng có ý nghĩa với Thăng Long. Thế nhưng, thời gian và nhu cầu thị trường vô cùng hạn hẹp, Kim Lan dường như chỉ lóe sáng ở hai triều đại phục hưng Ðại Việt rồi lịm tắt, trong khi Bát Tràng rồi kéo dài cho tới tận ngày hôm nay, với vị trí “lò Quan” của trung tâm này, vẫn tồn tại cho đến thời đầu Nguyễn. Lịm tắt và tồn tại kéo dài của Kim Lan và Bát Tràng chính là sự thu hẹp của một trung tâm, do nhu cầu giảm sút, khi Kinh đô chuyển dời về Phú Xuân (Huế), chứ hoàn toàn không phải là sự khai tử của Kim Lan. Con sông đào Bắc - Hưng - Hải gần đây và ranh giới hành chính hiện thời dễ làm nhiều người lầm tưởng Kim Lan và Bát Tràng không phải là một. Vì lẽ đó, Bát Tràng thì nổi tiếng, nhưng Kim Lan lại rơi vào quên lãng, nếu như không có những phát hiện quan trọng của nhân dân Kim Lan về những tàn tích khu sản xuất gốm ở đây gần mười thế kỷ trước vào năm 2000.
 

Từ năm 2001 đến 2003, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật di tích này tới 3 lần với tổng diện tích lên tới 460m2, tại bãi Hàm Rồng - nằm sát mép nước sông Hồng, như một sự mách bảo về con sông này gần nghìn năm trước không mấy có sự thay dòng so với ngày nay. Bãi Hàm Rồng nằm ở ngoài làng ngày xưa, để tránh ô nhiễm, tiện cho thiết kế lò, lấy được gió tự nhiên và thuận lợi cho việc nhập nguyên liệu, xuất sản phẩm, khi thời ấy đường thủy dường như là duy nhất đối với các làng thủ công làm gốm.

Nói là Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật, nhưng người bỏ nhiều công sức, trí tuệ nhất cho di tích này, cho nhân dân Kim Lan chính là PGS.TS Khảo cổ học Nhật Bản quá cố Nishimura. Mười ba năm trời, ông lặn lội ở đây để khai quật, sưu tầm, nghiên cứu và xây dựng cho làng một bảo tàng gốm Kim Lan khiêm nhường nhưng tinh tế, để rồi, khi bị tai nạn giao thông, phải lìa xa cõi trần, người Kim Lan tiếc thương và tưởng nhớ, đã đưa nhiều hình ảnh hoạt động của ông tại làng vào bảo tàng như một phần để tưởng niệm. Tôi cũng mượn bài viết này để chia buồn với chị NishiNoriko - vợ ông, cùng hai đưa con nhỏ và đại gia đình, và tưởng nhớ tới một đồng nghiệp, một người bạn đã hết lòng với sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam nói chung, chứ không chỉ với Kim Lan – Hà Nội.

Xin trở lại với Kim Lan – một trung tâm sản xuất gốm Thăng Long thời Ðại Việt.
 

Ba lần khai quật và những đợt khảo sát, sưu tầm đã đưa lên khỏi lòng đất Kim Lan một số lượng lớn di vật gốm sứ. Ðó là những loại đồ đựng như âu, bát, đĩa, ống nhổ, thuộc các dòng gốm men nâu đen, trắng ngà, xanh ngọc, xanh lục, hoa nâu và tiền lam. Chúng là những sản phẩm có niên đại thời Lý – Trần, thế kỷ 11 - 14, nhưng tập trung nhất, phổ biến nhất là gốm men thời Trần, thế kỷ 13 - 14. Có thể khẳng định, Kim Lan đã trình làng đầy đủ các dòng gốm men Ðại Việt thời Lý – Trần với một bước ngoặt vĩ đại, mà tôi cho là một cuộc cách mạng về gốm sứ, để gốm Ðại Việt hình thành nên một truyền thống riêng biệt, không thể trộn lẫn với bất cứ đồ gốm sứ của quốc gia lân bang nào đương thời. Ðó cũng là thời kỳ đồ gốm Việt thể hiện được bản lĩnh độc lập của một quốc gia tự chủ, vừa thoát khỏi đêm trường nghìn năm thuộc Bắc. Có thể nói, gốm men thời Lý - Trần nói chung và Kim Lan nói riêng phản ánh sinh động nhất, rõ nét nhất, cụ thể nhất, điển hình nhất về một mệnh đề được cố Giáo sư Phan Huy Thông nói tới trong một bài viết có tựa đề tương tự, đăng trên Tạp chí Khảo cổ học gần ba mươi năm trước “Chính vì chống Hán- Ðường mà ta mới là ta”.

So sánh với đồ gốm men Kim Lan, đặc biệt là những sản phẩm cao cấp với đồ gốm men cùng loại ở Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần, chúng khá giống nhau về loại hình, xương gốm, men và hoa văn. Một phân tích gần đây của nhà nghiên cứu trẻ Ngô Thị Thanh Thúy về Thạch học lát mỏng, Huỳnh quang tia X-XRF, Quang phổ Plasma/ Khối phổ ICP-MS và Phân tích nhiễu xạ tia X (XRD), cũng cho thấy sự tương đồng giữa gốm men Kim Lan với những trung tâm sản xuất gốm khác, cũng thời Lý - Trần trên tất cả các phương diện. Ðiều ấy không chỉ cho một nhận định về niên đại tương đồng mà còn cho thấy một chuẩn mực, mang tính thời đại của nghề sản xuất gốm Ðại Việt.

Ngoài cung cấp cho Hoàng thành - đồ dùng mang tính chất cung đình, gốm Kim Lan, theo Trần Văn Mỹ, Nishimura Marasari và Nosa Nari Noriko, chúng còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Philippin và Indonesia, với hai dòng gốm chủ yếu là hoa nâu và hoa lam.
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm