Cơ hội tiêu thụ đặc sản miền núi trên sàn thương mại điện tử

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giao thương các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: tapchicongthuong.vn
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giao thương các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: tapchicongthuong.vn

“Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023” là nội dung hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Trung tâm Thông tin Công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 15/9, tại Hà Nội.

Cơ hội tiêu thụ đặc sản miền núi trên sàn thương mại điện tử ảnh 1Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: tapchicongthuong.vn

Phát biểu khai mạc, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart…đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử.

Chính vì vậy, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Tiếp nối thành công của giai đoạn I, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (từ năm 2021 - 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.

Phạm vi áp dụng của Chương trình bao gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường.

Cơ hội tiêu thụ đặc sản miền núi trên sàn thương mại điện tử ảnh 2Toàn cảnh Hội thảo "Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023". Ảnh: tapchicongthuong.vn

Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, theo bà Lê Việt Nga, các hoạt động trong giai đoạn II đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn để đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập đối với khu vực miền núi, hải đảo. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Bà Lê Việt Nga nhấn mạnh: Thời gian tới, việc tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng.

Bởi qua đây, sẽ giúp kết nối, đưa những sản phẩm của khu vực này tới tiếp cận với người tiêu dùng trong cả nước, tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Đặc biệt, góp phần tích cực và phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Ông Hoàng Văn Dự, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ: Việc xúc tiến thương mại; trong đó, có thương mại điện tử sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền thời gian qua có sự tham gia tích cực của các đơn vị chức năng Bộ Công Thương, nhất là Vụ Thị trường trong nước. Do đó, các sản phẩm này đã tiêu thụ khá tốt ngay tại thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Cơ hội tiêu thụ đặc sản miền núi trên sàn thương mại điện tử ảnh 3Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giao thương các sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: tapchicongthuong.vn

Hơn nữa, việc đẩy mạnh tuyên truyền, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên sàn thương mại điện tử sẽ giúp góp phần mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm này tới với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn thương mại điện tử. Cùng đó, các đại biểu còn cung cấp thông tin về tình hình tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn thương mại điện tử, những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa những sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử.

Mặt khác, đại diện doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm vùng miền đã chia sẻ thông tin, thảo luận kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục triển khai hình thức, giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp để phát huy đầy đủ, hiệu quả kênh thương mại điện tử. Qua đó, kết nối hiệu quả các sản phẩm hàng hóa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm vùng miền của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong khuôn khổ của hội thảo còn diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc kết nối, xúc tiến giao thương các sản phẩm đặt trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo lên sàn thương mại điện tử.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm