Chuyển đổi cây trồng hiệu quả trên vùng đất cam Cao Phong

Huyện Cao Phong từ lâu vốn nổi tiếng là vùng đất của sản phẩm cam Cao Phong trứ danh của tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên hiện nay nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng ngoài cam như: mía, ổi, na… đang mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp người dân nơi ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.

Vùng đất của thương hiệu cam Cao Phong

Tại các Hợp tác xã trồng cam Cao Phong theo tiêu chuẩn VietGAP các nhà vườn thành viên đã thực hiện quy trình chăm sóc cây cam nghiêm ngặt với quy trình hoàn toàn hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.

vna_potal_vung_trong_cam_cao_phong_vao_vu_thu_hoach_7102433.jpg
Thành viên HTX 3T Farm huyện Cao Phong thu hoạch cam. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong cho biết, thông thường các vườn thành viên của hợp tác xã thu hoạch cam từ đầu tháng 11, sản phẩm cam tươi trước khi đến tay người tiêu dùng đã được áp dụng quy trình chăm sóc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Cam Cao Phong khi thu hoạch về sẽ được sục rửa bằng máy tạo ozone và được chọn lọc kỹ càng tại cơ sở chế biến của Hợp tác xã trước khi đóng gói. Sản phẩm cam Cao Phong của Hợp tác xã 3T Farm có mẫu mã đẹp thích hợp làm quà tặng, được khách hàng tin tưởng, ưa chuộng dù giá bán có cao hơn giá thị trường khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Hội người trồng cam thị trấn Cao Phong nhiều năm qua đã đồng hành cùng những hộ trồng cam thông qua cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cam góp phần duy trì diện tích trồng tại địa phương.

Hội viên Bùi Thị Hồng chia sẻ, gia đình đã áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích gần 2ha trồng cam. Năm ngoái, giá cam bán tại vườn dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Với lợi thế nằm cạnh đường Quốc lộ 6 qua địa phận thị trấn Cao Phong, vườn cam của gia đình bà đã đón nhiều đoàn khách du lịch vào tham quan, trải nghiệm, qua đó du khách chính là những khách hàng tiềm năng sẵn sàng mua cam ngay tại vườn của gia đình.

Tại các chợ đầu mối, cam Cao Phong được người dân mua nhiều, bởi tin tưởng chất lượng cam tươi ngon, được trồng chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với hương vị đặc trưng, khó có thể nhầm lẫn với các loại cam khác cam Cao Phong từ lâu đã là một thương hiệu nông sản chất lượng cao của tỉnh Hòa Bình.

vna_potal_vung_trong_cam_cao_phong_vao_vu_thu_hoach_7102466.jpg
Vườn cam của HTX 3T Farm huyện Cao Phong (Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong, ông Bùi Văn Dán chia sẻ, thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua chính quyền huyện Cao Phong tập trung thực hiện tái canh cây cam, chú trọng duy trì vùng trồng cam chất lượng cao đạt chuẩn VietGAP, xây dựng cánh đồng mẫu trồng cam kết hợp du lịch tham quan trải nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, đa dạng các sản phẩm từ cam.

Tiềm năng chuyển đổi cây trồng

Cùng với trồng xen canh với cây cam, những năm gần đây, nhiều nông dân Cao Phong đã mạnh dạn chuyển đổi, bổ xung trồng các loại cây nông nghiệp ngoài cam đã mang lại hiệu quả và thu nhập cao về kinh tế.

Theo báo cáo của phòng nông nghiệp, toàn huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình có 2.446,7 ha diện tích trồng mía (trong đó mía tím: 592,1 ha, mía trắng ép nước: 1.854,6 ha) chủ yếu trồng ở xã Tây Phong. Hiện nay, nông dân huyện Cao Phong đã thu hoạch 100% diện tích mía tím niên vụ 2023-2024 với giá trị kinh tế cao.

vna_potal_huyen_cao_phong_hoa_binh_thu_hoach_mia_nien_vu_2023_-_2024_7549467.jpg
Vườn mía tím của nông dân tại xóm Bản, xã Tây Phong (Cao Phong, Hòa Bình) vào mùa thu hoạch. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Gia đình anh Bùi Văn Bình, xóm Bản, xã Tây Phong, huyện Cao Phong có hơn 1ha trồng mía tím cho niên vụ 2024-2025.

Anh Bình cho biết, giá thương phẩm mía tím bình quân 5.000 - 6.000 đồng/cây (tùy chất lượng cây mía trong quá trình chăm sóc mà có giá bán cao hơn), bình quân gia đình thu nhập khoảng 160 - 200 triệu đồng/ha. Với cây mía trắng ép nước, các hộ nông dân đã thu hoạch khoảng gần 70% diện tích với giá bán cây thương phẩm bình quân khoảng 3.000 - 4.000 đồng/cây giá trị bình quân ước khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha.

Cũng như anh Bình, ông Nguyễn Khánh Hùng xóm Lãi, xã Tây Phong, huyện Cao Phong là người tiên phong chuyển đổi cây trồng nông nghiệp trên địa bàn xã Tây Phong huyện Cao Phong khi trồng thành công giống ổ Ruby ruột đỏ và bưởi đỏ trên điện tích gần 7.000 m2 mang lại giá trị thu nhập kinh tế cao, ổn định.

Ông Hùng chia sẻ, ổi ruby ruột đỏ vào mùa thu hoạch được thương lái đến thu mua tận vườn, do là cây trồng mới, ít người trồng và không phải cạnh tranh giá thành trong khu vực nên không lo đầu ra. Doanh thu hàng năm của gia đình từ vườn ổi ruby và bưởi đỏ đạt từ 150 - 180 triệu đồng/năm.

Mùa na Đỉnh Cun, xóm Đỉnh Cun, xã Thu Phong năm nay đang vào vụ chính, giá bán buôn tại vườn khoảng 30.000 đồng/kg, sau khi phân loại quả hiện na Đỉnh Cun tại thị trường có giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tại xóm Đỉnh Cun có khoảng 20,2 ha diện tích đồi núi dành trồng na trong đó có hơn 19ha trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập hàng năm đạt 80 - 100 triệu đồng/năm/hộ.

Năm 2020 Tổ hợp tác na Đỉnh Cun được thành lập tại xóm Đỉnh Cun với 26 thành viên tham gia mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một hướng đi mới cho thấy hiệu quả trong việc chuyển đổi giống cây trồng khi sản phẩm na đỉnh Cun được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình được người tiêu dùng ưa chuộng mang lại thu nhập kinh tế cao cho người trồng na. Đến nay, diện tích trồng na của Tổ hợp tác na Đỉnh Cun vào khoảng 20,2 ha.

Chị Phạm Thị Thảo, Chủ nhiệm tổ hợp tác na đỉnh Cun cho biết, ngay khi nhận thấy tiềm năng mà cây na mang lại, gia đình chị Thảo đã mạnh dạn chuyển đổi, trồng na trên diện tích khoảng 1 ha đất đồi, thu nhập kinh tế ổn định hàng năm của gia đình trừ chi phí đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Văn Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong cho biết, những cây trồng như ổi ruby ruột đỏ, mía… là hướng đi tiềm năng cho người nông dân trong chuyển đổi cây trồng phù hợp trên vùng đất nổi tiếng với sản phẩm cam Cao Phong, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương tỉnh Hòa Bình.

vna_potal_mo_hinh_chuyen_doi_cay_trong_hieu_qua_o_cao_phong_hoa_binh_7551389.jpg
Ổi ruby ruột đỏ lai tạo từ Đài Loan, được trồng tại vườn của gia đình ông Nguyễn Khánh Hùng, xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong, Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Theo ông Hoàng Đình Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục khuyến khích hỗ trợ địa phương duy trì và phát huy vùng trồng cây có múi đồng thời xen canh phát triển các cây trồng phù hợp thổ nhưỡng của địa phương, đảm bảo tính bền vững, chất lượng sản phẩm, hình thành và nhân rộng các vùng trồng na, mía, ổi… ở những khu vực điều kiện đất đai phù hợp, xây dựng các mô hình trồng cam Cao Phong tiêu biểu.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh Hòa Bình./.

Lưu Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm