Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình và chính quyền huyện Cao Phong hiện đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 quyết tâm giữ vững thương hiệu cam Cao Phong.
Thương hiệu cam Cao Phong và những thách thức
Vùng đất Cao Phong có thổ nhưỡng phù hợp với cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam. Cam Cao Phong có đặc tính vỏ mọng, mọng nước, vị ngọt thơm dịu, tép vàng; trong đó có nhiều giống cam gần như không có hạt phù hợp với thị hiếu người dùng và nhu cầu thị trường. Qua nhiều năm, cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong, là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị nổi tiếng như: Big C, VinMart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Cam Cao Phong được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines… Từ năm 2013 đến những năm 2019, có những niên vụ sản lượng cam của Cao Phong đạt trên 30.000 tấn, giá trị thu nhập đạt từ 500-700 triệu đồng/ha, nhiều hộ gia đình trồng cam ở Cao Phong trở thành tỷ phú sau mỗi vụ cam.
Với những giá trị lớn về kinh tế đem lại, cam Cao Phong đã được trồng đại trà trên nhiều diện tích, không chỉ ở huyện Cao Phong mà cả các địa phương khác trong và ngoài tỉnh Hòa Bình. Sức hút của thương hiệu Cam Cao Phong tăng nhanh tạo ra hiệu ứng “người người trồng cam, nhà nhà trồng cam”, diện tích trồng cam tăng nhanh ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây cam Cao Phong.
Cùng với đó, sản phẩm từ cây cam chưa đủ tiêu chuẩn và lượng hàng lớn để xuất khẩu bởi chưa đảm bảo được các yêu cầu về mã số vùng trồng, độ đồng đều về kích thước, màu sắc, yêu cầu về đóng gói, khử trùng và chứng nhận an toàn thực phẩm của sản phẩm… Sự chênh lệch cung cầu làm giá cam Cao Phong trong nước theo đó đã liên tục giảm trong những năm trở lại đây.
Nếu như những năm 2015-2018, giá cam lòng vàng có lúc lên tới 40-50 nghìn/kg, thậm chí bán lẻ lên tới 60-70 nghìn/kg thì gần đây có thời điểm giảm xuống còn 10-15 nghìn đồng/kg. Cùng với đó, nhiều diện tích cam đã vào thời kỳ thoái trào theo chu kỳ, một phần do nguồn gen nhân giống lai tạo không chuẩn, nhiều diện tích cam bị sâu bệnh, già cỗi, thoái hóa, dẫn đến sụt giảm mạnh về năng suất, sản lượng cũng như chất lượng. Trồng cam đối với nhiều hộ dân không còn hiệu quả đã dẫn đến tình trạng phá bỏ cây cam để trồng các loại cây khác.
Tuy nhiên qua nhiều năm, Cam Cao Phong vẫn khẳng định được giá trị và là cây truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Cường Minh, (thị trấn huyện Cao Phong) một người trồng cam lâu năm cho biết, tại huyện Cao Phong, cây cam vẫn là cây trồng chủ lực và không thể thay thế. Giá có thể thay đổi lên xuống theo vụ xong nếu biết quản lý, chăm sóc, có trình độ thâm canh, thì trồng cam vẫn đem lại hiệu quả thu nhập kinh tế cao.
Giữ thương hiệu cam Cao Phong
Năm 2021, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định 2078 phê duyệt Đề án “Tái canh cây có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030”.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tập trung tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, đưa toàn bộ vùng sản xuất cây ăn quả có múi huyện Cao Phong đạt các chỉ tiêu như: Duy trì ít nhất 75% số hộ sản xuất cây ăn quả có múi là thành viên của doanh nghiệp, hợp tác xã và được giám sát chặt chẽ về quy trình canh tác; đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Bố trí cơ cấu để mỗi xã/xóm chỉ có 1-2 giống chủ lực để hình thành các vùng trồng thuần loài, đạt yêu cầu quy mô diện tích để được cấp mã số vùng trồng (tối thiểu 10ha/mã số); đồng thời đảm bảo cơ cấu các nhóm giống rải vụ cho địa bàn toàn huyện Cao Phong (30% diện tích trồng giống chín sớm; 40% giống chính vụ; 30% giống chín muộn); 100% diện tích trồng tái canh được sử dụng nguồn giống sạch bệnh…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình - ông Nguyễn Huy Nhuận cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với UBND huyện Cao Phong rà soát diện tích đất, diện tích cam đã già cỗi, hết chu kỳ khai thác cần xử lý, cải tạo đất phục vụ trồng mới. Trong tổng diện tích 1.500 ha tái canh, theo kế hoạch có khoảng 800 ha cần cải tạo đất để trồng mới và khoảng 700 ha cam đã trồng và đang giai đoạn kinh doanh cần tiếp tục chăm sóc, phòng ngừa các sinh vật hại trong đất để kéo dài thời kỳ kinh doanh.
Trong năm 2022 các đơn vị chuyên môn đã lấy mẫu, phân tích mẫu đất, thực hiện xử lý cải tạo đất để trồng cánh đồng mẫu với diện tích 14ha vào khoảng tháng 4/2023. Mục tiêu đến 2025 cánh đồng mẫu sẽ là những cây giống sạch bệnh, quản lý dinh dưỡng bền vững đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, có mã số vùng trồng…
Cùng với đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Cao Phong lên phương án bố trí cung cấp cây giống thông qua các tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã, bố trí cơ cấu giống rải vụ, đồng thời tạo thành vùng trồng tập trung, thuần loài, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng và thuận lợi trong quản lý, chăm sóc, áp dụng các giải pháp kỹ thuật.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hòa Bình, ông Nguyễn Hồng Yến cho biết, lộ trình tái canh cây ăn quả có múi; trong đó đặc biệt là cây cam Cao Phong cần phải có sự vào cuộc của sở, ngành liên quan cùng chính quyền huyện và các đơn vị chức năng. Bên cạnh đó, phải phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, xây dựng giải pháp kĩ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi; tổ chức lại sản xuất cây ăn quả có múi một cách bền vững, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy gốc nguồn gốc sản phẩm; cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm nòng cốt là trung tâm kết nối với người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, những kết quả thực nghiệm trên diện tích cánh đồng mẫu cần được phổ biến ngay để áp dụng diện rộng trong sản xuất.
Theo báo cáo của UBND huyện Cao Phong, đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 đang được triển khai thuận lợi và đạt tiến độ. Diện tích đề xuất thực hiện tái canh giai đoạn 2021 - 2025 là 1.500 ha đến nay, đã có 4/5 chương trình, dự án ưu tiên đang triển khai thực hiện. Trong đó, dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung huyện Cao Phong cơ bản đã hoàn thành trên 95%. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong khâu tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm, UBND huyện Cao Phong cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ cây giống sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn quốc gia phục vụ tái canh.
Thời điểm hiện tại, toàn huyện Cao Phong có 1744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022-2023 đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam đang vào vụ thu hoạch khoảng 1.500 ha, sản lượng ước 18.000 tấn; trong đó diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha.
Chính quyền huyện Cao Phong cũng đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP (khoảng 536 ha); đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, chú trọng thâm canh tăng năng suất; xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện có hiệu quả Đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 và giữ vững thương hiệu Cam Cao Phong.
Lưu Trọng Đạt