Chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả gấp từ 2 - 8 lần ở Đồng Tháp

Chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả gấp từ 2 - 8 lần ở Đồng Tháp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thông tin, tỉnh chuyển đổi diện tích lúa Đông Xuân và Hè Thu năm 2023 gần 5.000 ha sang cây trồng khác; trong đó có hơn 3.000 ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm; hơn 900 ha trồng cây lâu năm và gần 28 ha nuôi trồng thủy sản. Đối với cây lâu năm được trồng các loại cây như xoài, mít, sầu riêng, chanh, ổi, cam ... Đối với cây hàng năm trồng các loại hoa màu như ớt, dưa hấu, ngô, kiệu, sen…

Chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả gấp từ 2 - 8 lần ở Đồng Tháp ảnh 1Thương lái đến tận vườn mua mít Thái ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác ở tỉnh Đồng Tháp mang lại kết quả cao gấp từ 2 - 8 lần, đối với đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu cho lợi nhuận tăng gấp từ 2 - 3 lần, trồng cây lâu năm lãi gấp từ 2 - 8 lần trồng lúa. Bình quân 01 ha trồng xoài, mít, nhãn, chanh… cho lợi nhuận từ 50 đến 200 triệu đồng/ha/năm tăng gấp từ 2 - 8 lần trồng lúa.

Gia đình anh Nguyễn Văn Long ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất trồng lúa sang trồng ổi, vú sữa, xen kẽ hoa màu. Theo anh Long, trồng hoa màu gồm mướp đắng, đậu bắp, bầu, bí…xen kẽ trong diện tích trồng vú sữa, ổi và tận dụng mặt nước ao lắp đặt giàn bằng tre cho bầu , mướp đắng leo... bình quân lãi hơn 100 triệu đồng/ha, tính ra lãi gấp 3 - 5 lần trồng lúa hiện nay.

Ông Trương Văn Thống ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông đầu tư cải tạo 2 ha đất ruộng canh tác lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài tượng da xanh, thu hoạch được 3 vụ. Mỗi vụ, ông Thống thu hoạch trên 1 tấn trái xoài cát Hòa Lộc, và từ 1,5 - 2 tấn xoài tượng da xanh. Sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Trương Văn Thống còn lãi từ 350 - 400 triệu đồng/vụ. Tính chung trong 3 vụ thu hoạch xoài, tổng lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả gấp từ 2 - 8 lần ở Đồng Tháp ảnh 2Mít Thái thu hoạch tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh Đồng Tháp với nguyên tắc chuyển đổi phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu; hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi; bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Bên cạnh đó, không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại, làm biến dạng mặt bằng, gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thuỷ lợi phục vụ trồng lúa; trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thuỷ sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng thích hợp, nhất là những nơi trồng lúa kém hiệu quả. Việc chuyển đổi cây trồng ở Đồng Tháp nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực để khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng huyện, thành phố; tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đó sẽ hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho nông sản Đồng Tháp phục vụ cho xuất khẩu.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm