Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thực hiện Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang”, trong giai đoạn 2020 – 2022, toàn vùng đã chuyển đổi gần 3.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…vượt trên 19% so kế hoạch được giao. Trong giai đoạn 2023 – 2025, địa phương tiếp tục chuyển đổi trên 4.800 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng hoặc chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.
Diện tích chuyển đổi tập trung ở các địa bàn nằm phía Bắc Quốc lộ 1 và phía Nam cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thuộc các huyện: Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đây là khu vực lâu nay chịu ảnh hưởng lũ lụt và biến đổi khí hậu hàng năm, trồng lúa độc canh hiệu quả thấp, thu nhập nông dân bấp bênh, cần phải chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giúp tăng thu nhập cho bà con vừa đổi mới nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt kết quả, Tiền Giang đã đầu tư 479 tỷ đồng thực hiện các công trình điện; sửa chữa và nâng cấp 25 công trình thủy lợi, nạo vét và rong cỏ, dọn lục bình phục vụ sản xuất 108 tuyến kênh mương nội đồng tưới tiêu.
Theo đánh giá của ngành chức năng, bước đầu việc chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Cụ thể, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản hoặc trồng rau màu đều cho nông dân lợi nhuận gấp từ 4 – 12 lần so với trồng lúa, tùy theo loại cây. Các mô hình chăn nuôi khác đều mang lại lợi nhuận tăng thêm gấp từ 2 – 3 lần trồng lúa năng suất cao độc canh trước đây. Qua đó, giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ đơn vị diện tích sản xuất, ổn định cuộc sống và đổi mới tư duy, nâng cao trình độ canh tác trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa còn giúp sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Điển hình có ông Hà Văn Lợi, cư trú tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. Gia đình ông có 2.500 m2 đất canh tác trổng mỗi năm 2 vụ lúa nhưng thu nhập không cao. Những năm gần đây, lũ lụt không về, thiếu phù sa bồi bổ, đất đai bạc màu, đầu tư chi phí cao nhưng lợi nhuận rất thấp.
Được sự khuyến khích của nhà nước, ông Lợi đầu tư cải tạo khu đất, chuyển từ trồng lúa sang nuôi và cung ứng cá cảnh cho thị trường như: cá Ba đuôi, cá Ông tiên, Lựu đỏ, Kim tiền, Mô li, Pan da…có nguồn gốc nhập nội.
Hiện nay, với 2.500 m2 đất sản xuất cá cảnh, cơ sở cá cảnh ông Hà Văn Lợi cung ứng 500 con cá cảnh các loại/ mỗi ngày, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Tính toán mỗi năm, trừ chi phí, ông còn lãi ròng trên 300 triệu đồng từ mô hình chuyển đổi hiệu quả trên vùng ngập lũ, cao gấp chục lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây.
Nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội từ Đề án đồng thời đúc kết kinh nghiệm, trong thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: hệ thống giao thông, các công trình thủy lợi nội đồng đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cấp mạng lưới điện cũng như mở rộng mạng lưới cơ sở thu mua, tiêu thụ, sơ chế nông sản cho nông dân…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các địa phương và ngành chức năng tổ chức triển khai sâu rộng mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của Đề án đến tận hộ nông dân gắn với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: kỹ thuật thâm canh VietGAP, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trong vùng,…
Mặt khác, khuyến cáo nông dân không chuyển đổi ồ ạt cây trồng ngoài vùng quy hoạch khiến nguy cơ “cung vượt cầu” ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và hiệu quả Đề án. Đặc biệt là không chạy đua theo phong trào trồng sầu riêng khiến phá vỡ quy hoạch chung của địa phương vừa mang lại những hệ lụy không mong muốn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đồng thời, địa phương quan tâm xây dựng và nhân rộng những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, giúp nông dân làm giàu bền vững vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ngoài ra, còn gắn với các chương trình mục tiêu như: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, thu hút doanh nghiệp, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xuất khẩu nông sản…
Minh Trí