Long An: Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giúp thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha

Năm 2023, Long An chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 9.000ha đất trồng lúa. Ảnh: longan.gov.vn
Năm 2023, Long An chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 9.000ha đất trồng lúa. Ảnh: longan.gov.vn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, ước tính trong năm 2023 tỉnh sẽ có gần 8.300 ha chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang cây trồng hàng năm và cây ăn quả; trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm là gần 7.600 ha và chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 656 ha.

Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả khá tích cực, giúp người nông dân thu lợi nhuận cao hơn so với trước, như trồng dưa hấu mang lại lợi nhuận từ 70 -150 triệu đồng/ha mỗi vụ; trồng cây khoai mỡ lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha; cây chanh lợi nhuận từ 60 – 100 triệu đồng/ha; cây mít lợi nhuận 100-150 triệu đồng/ha.

Cá biệt có cây sầu riêng đang mang lại khoản lợi nhuận rất cao, từ 200 – 550 triệu đồng/ha mỗi năm. Ngoài ra, một số vùng đất trũng thuộc vùng Đồng Tháp Mười sản xuất lúa không có hiệu quả, nông dân đã chuyển hẳn sang nuôi các loại thuỷ sản như tôm, cá lóc, cá trê… cũng mang lại hiệu quả khá tốt.

Long An: Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giúp thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha ảnh 1Năm 2023, Long An chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 9.000ha đất trồng lúa. Ảnh: longan.gov.vn

Tại xã biên giới Tân Hiệp của Thạnh Hoá, gia đình ông Trương Thuý Sơn đã chuyển khoảng 2,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt. Đến nay, đã có 1,4 ha chanh đang cho trái, diện tích còn lại phát triển tốt. Theo ông Sơn, cây chanh không hạt rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, dễ trồng và chăm sóc, cho trái quanh năm. Thời gian từ cải tạo đất đến lúc thu hoạch chanh khoảng 2 năm, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, giá bán dao động từ 10.000 - 24.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì mỗi năm sẽ thu lãi trên 300 triệu đồng/ha.

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Lợi (ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) cũng đã chuyển đổi diện tích khoảng 2 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài keo. Việc trồng xoài đang mang lại hiệu quả khá tốt cho gia đình anh Lợi do không phải đầu tư nhiều như các loại cây trồng khác. Loại cây này cũng không tốn nhiều công chăm sóc do chịu được nắng nóng và các loại sâu bệnh thông thường.

“Hiện, năng suất trung bình của vườn xoài gia đình tôi khoảng 20 tấn/ha mỗi vụ, bán với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng/vụ” - anh Lợi cho biết.

Qua đánh giá của ngành chức năng tỉnh Long An, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa đang mang lại kết quả rất khả quan, các mô hình chuyển đổi phù hợp với tình hình hạn, mặn, thời tiết, dịch bệnh. Nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của người dân tăng lên từ 1,5 - 3 lần so với trồng lúa, nhất là trên cây dưa hấu, rau màu, chanh, sầu riêng… đồng thời, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn góp phần giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do tình trạng thiếu nước bỏ vụ kéo dài.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng từ các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả góp phần mang lại hiệu quả cao cho chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện Long An đã cơ bản hình thành được 4 vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với những định hướng phát triển cụ thể, gồm có vùng phát triển lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và đa dạng hóa cây trồng; vùng phát triển nông nghiệp ven đô với định hướng phát triển sản xuất là thanh long xuất khẩu, lúa nếp, lúa đặc sản, rau an toàn, nuôi thủy đặc sản, bò sữa… và vùng chịu ảnh hưởng nặng của công nghiệp hóa và đô thị hóa với định hướng phát triển sản xuất là rau an toàn, nuôi bò sữa, bò thịt…

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, địa phương sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả thích hợp với diễn biến nguồn nước và xâm nhập mặn để tăng hiệu quả sử dụng, tăng thu nhập cho bà con nông dân; đồng thời, tập trung triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022-2025; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười...

Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi cây trồng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh Long An cũng khuyến cáo các địa phương vận động người dân chỉ chuyển đổi và phát triển các loại cây trồng khác theo đúng quy hoạch kết hợp phát triển hạ tầng tương ứng, bảo đảm tính thích nghi với điều kiện đất đai, nguồn nước; đồng thời, khuyến cáo người nông dân cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển và phân phối.

Ngoài ra, nông dân không nên chạy theo thị trường, tự ý chuyển đổi, nhất là chuyển sang trồng cây sầu riêng một cách ồ ạt để tránh nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, chất lượng sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu, từ đó gây nhiều thiệt hại cho người trồng.

Bùi Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm