“Chợ quê - Ký ức tuổi thơ” là chủ đề hoạt động tháng 7 được tổ chức từ ngày 01 - 31/7/2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc cụm làng IV và cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, tạo sân chơi mùa hè bổ ích cho du khách.
Các đối tượng đặc biệt được hướng đến là khách gia đình, học sinh, sinh viên, khách xe bus với các hoạt động giao lưu, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc trong những ngày hè góp phần xây dựng sản phẩm du lịch hè 2021.
Tiếp tục các công tác về việc phòng, chống dịch COVID-19 quy mô các hoạt động tháng 7/2021 được xác định theo các phương án như sau:
Phương án 1: Nếu trong tháng 7 dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp chưa được kiểm soát, các hoạt động thực hiện theo qui mô tập trung cho hoạt động hằng ngày.
Các hoạt động hằng ngày gồm:
- Tái hiện cuộc sống hàng ngày tăng cường các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đoàn, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm tại các làng dân tộc đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19;
- Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như gốm, thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc… Riêng hoạt động giới thiệu ẩm thực phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 (giữ khoảng cách, khuyến khích bán mang theo…);
- Phục vụ du khách tham quan tuyến điểm; Giới thiệu các trò chơi dân gian như nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến, tó má lẹ...
Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, đảm bảo an toàn thời điểm nào thì tổ chức đầy đủ các nội dung hoạt động điểm nhấn theo Kế hoạch:
- Cùng các nghệ nhân đồng bào dân tộc trải nghiệm những trò chơi dân gian truyền thống của cộng động. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng như thổi Đinh năm hát ay ray, đàn T’rưng, đàn Klong put, cồng chiêng,…Các hoạt động của đồng bào phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo các thông báo, khuyến cáo… để giữ gìn sức khỏe cho đồng bào và du khách.
- Tiếp tục hoàn thiện không gian triển lãm làng II, không gian chế tác nhạc cụ, đan lát, trình diễn các loại hình diễn xướng, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc tại khu vực đồi thông A2 và không gian một số làng dân tộc.
- Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...
- Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; gà nướng… của dân tộc Dao; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày, Nùng; cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam…
- Chương trình du lịch Homestay để du khách trải nghiệm tại nhà Mường, Tày, Thái tại không gian Khu các làng dân tộc.
Phương án 2: Nếu đến thời điểm tháng 7 có thông báo dịch COVID-19 được kiểm soát và văn bản cho phép của cấp có thẩm quyền thì thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động theo Kế hoạch.
Hoạt động chuyên đề tháng 7 với chủ đề “Chợ quê nét văn hóa độc đáo dân tộc”:
- Chợ quê nhằm tái hiện lại những nét văn hóa xưa đưa du khách trở về với không gian ký ức của phiên chợ quê ngày hè với những gần gũi thân thương, hết sức dung dị và mộc mạc thông qua các cảnh mua bán trao đổi tổ chức các trò chơi dân gian, dân ca dân vũ…mang đậm sắc màu quê hương Bắc Bộ.
Không gian chợ quê truyền thống và các gian hàng giới thiệu, thao tác, trình diễn, bán các sản vật, ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ được gợi mở với không gian đường dẫn vào là con đường vòm tre thả nón lá tiếp theo con đường lát gạch tạo dựng khoảng 15 gian hàng với các bố bàn ghế tre tạo không gian: Bánh đa, bánh nếp, bánh tẻ, kẹo lạc, kẹo dồi, lạc, vừng, ngô luộc, nước vối, nước chè xanh…; làm bút tre huyện Hoài Đức, nặn tò he Phú Xuyên, làm nón lá làng Chuông… Tại các gian hàng người bán hàng sẽ vận trang phục truyền thống.
Một số hoạt động với trẻ thơ “Trải nghiệm văn hóa truyền thống”:
- Tổ chức trưng bày giới thiệu các hoạt động trẻ thơ tại Làng với những hình ảnh của các hoạt động Ấn tượng mùa hè năm 2016; Cuộc thi viết chữ đẹp “Nét chữ, nết người”; Cuộc thi vẽ tranh “Em yêu làng em” và một số các trò chơi dân gian của trẻ thơ như chơi ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền, làm diều tại Nhà triển lãm làng dân tộc II.
- Trình diễn, trưng bày, giới thiệu về nhạc cụ truyền thống như chiêng, trống, Đinh năm giúp các em hiểu hơn về các nhạc cụ truyền thống được trải nghiệm và học thử các nhạc cụ đó đặc biệt là một số các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc như bắn nỏ, kéo co; tó má lẹ, đánh quay…
- Tham gia tương tác “Một ngày làm nghệ nhân” với các hoạt động tương tác cùng với các nghệ nhân từ hoạt động trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, tìm hiểu, làm quen với một số nhạc cụ dân tộc dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Tổ chức Lễ dâng y tắm mưa hay còn gọi là Lễ nhập hạ:
Đây là nghi thức có từ thời đức Phật còn tại thế, trước khi chư tăng nhập hạ an cư trong 3 tháng mùa mưa được phép thọ nhận “Y tắm mưa” để sử dụng trong thời gian ở hạ. Vào ngày lễ này các gia đình phật tử tập trung tại chùa dâng cúng đến chư tăng các tứ vật dụng cần thiết và lễ vật không thể thiếu là những cây đèn cầy to được các phật tử dâng đến chùa để thắp liên tục trong 03 tháng nhập hạ, ngày này đánh dấu thời điểm an cư bắt đầu tại một ngôi chùa. (Hoạt động này sẽ được diễn ra khi có văn bản đồng ý cho các hoạt động phật sự, tín ngưỡng tập trung được tổ chức trở lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”
Tái hiện Lễ cúng ché của đồng bào Ê Đê tỉnh Đắk Lắk:
Đối với đồng bào Ê Đê, ché không chỉ là tài sản thể hiện sự giàu có, sung túc mà còn mang tính linh thiêng. Ché có mặt trong các nghi lễ, lễ cúng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Ê Đê. Do vậy, mỗi khi gia đình sắm được chiếc ché quý hay khi bán hoặc cho ché đi, gia chủ sẽ làm lễ cúng ché để thông báo các thần linh và dòng tộc được biết. Đồng bào Ê Đê quan niệm, vạn vật đều có linh hồn. Ché được xem là một vật thiêng vì ché đựng rượu cần là lễ vật không thể thiếu trong bất kỳ một lễ cúng nào. Mặt khác, rượu cần cũng thể hiện văn hóa giao tiếp của người Ê Đê, được gia chủ dùng để tiếp đón khách quý đến nhà; dùng làm quà tặng trong những dịp đặc biệt và là hiện vật có giá trị góp vào khi một gia đình trong buôn có lễ, tiệc. Ché vừa thân thiết, gần gũi lại vừa là vật thiêng nên đồng bào xem ché như một thành viên trong gia đình. Vì vậy, lễ cúng ché cũng như là một nghi lễ để ché nhập gia, sống hài hòa và phù hộ, mang lại cho gia chủ những điều tốt đẹp.
Hoạt động du lịch (theo Phương án sản phẩm du lịch năm 2021):
- Chương trình dành cho đối tượng học sinh: Tour “Bản làng đón em”; “Tự hào Việt Nam”; “Ký ức trẻ”.
- Chương trình dành cho khách đoàn, người cao tuổi: Tour “Hành trình xanh”.
- Chương trình dành cho khách đoàn (doanh nghiệp, hội khóa, đoàn thể): Tour “Ngôi nhà chung - Nơi gắn kết chúng ta”.
- Chương trình dành cho khách gia đình: Family camp tour.
- Chương trình dành cho khách đoàn lưu: Tour homestay “Một ngày bản buôn”.
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động tháng 7 với sự tham gia của khoảng hơn 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày của các nhóm cộng đồng dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Huy động khoảng 20 nghệ nhân đồng bào dân tộc Kinh tại làng cổ Đường Lâm ngày 23,24,25/7/2021. Huy động khoảng 10 em thiếu nhi, 10 thanh niên dân tộc hỗ trợ cho các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống.
Theo vinaculto.vn