Cà Mau đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Bài 1

Cà Mau đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Bài 1
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thị trường, tạo sinh kế bền vững cho lao động sau học nghề, Cà Mau từng bước đổi mới việc mở các lớp dạy, truyền nghề một cách chọn lọc những nghề thế mạnh, có khả năng phát triển ở từng địa phương.
Nghề gác kèo ong nổi danh là đặc trưng văn hoá của người dân đất rừng U Minh Hạ. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Nghề gác kèo ong nổi danh là đặc trưng văn hoá của người dân đất rừng U Minh Hạ. Ảnh: Thế Anh - TTXVN

Bài 1: Ưu tiên dạy nghề đặc thù của địa phương
UBND tỉnh Cà Mau đã đề ra mục tiêu, kế hoạch, chương trình cụ thể đối với công tác giải quyết việc làm, đào tạo, bồi dưỡng và truyền nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn trên địa bàn.

Tỉnh cũng sớm ban hành danh mục ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn gồm 75 nghề mang tính đặc thù của từng huyện, thành phố thuộc tỉnh, theo từng lĩnh vực: lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng. Trong đó nổi bật có các nghề như: nuôi ong lấy mật, trồng hoa kiểng, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, nuôi cá sặc rằn; tổ chức du lịch sinh thái, tổ chức du lịch cộng đồng…
 
Dạy những nghề phù hợp
Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tỉnh Cà Mau cho biết, với việc xác định rõ các danh mục nghề phù hợp với đặc thù của địa phương, nhu cầu của người lao động và yêu cầu thị trường, hàng năm, tỉnh Cà Mau đã tổ chức đào tạo được số lượng lớn lao động, đa số lao động sau khi tham dự các khóa học nghề tìm được việc làm theo ngành nghề được đào tạo.

Qua gần 10 năm thực hiện Đề án 1956 (Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 21/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020), có hơn 327.000 lao động nông thôn ở Cà Mau tham gia các lớp đào tạo nghề, với hơn 100.000 lao động được hỗ trợ học nghề.
 
Cũng theo ông Từ Hoàng Ân, việc chọn những ngành nghề phù hợp với đặc thù của từng địa phương, cũng có thể là những nghề mà lực lượng lao động nông thôn ở địa phương vốn đã quen thuộc nhưng lâu nay vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công hoặc chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để mở lớp. Từ đó, việc tổ chức đào tạo đã thực sự phát huy hiệu quả.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cũng phối hợp với một số cơ quan, đoàn thể như: Sở Công Thương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp dạy các nghề ở lĩnh vực  nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng truyền thống gắn với các làng nghề hoặc nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người lao động tìm được việc làm ngay sau khi tham dự lợp dạy nghề, đó là các lớp dạy những nghề như ép chuối khô, làm khô bổi ở huyện Trần Văn Thời; nghề làm tôm khô, nuôi cá chẽm ở huyện Ngọc Hiển; nghề sửa chữa điện, đan lát ở thành phố Cà Mau...
 
Nói về hiệu quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, ông Hồ Ngọc Tấn, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cà Mau cho biết thêm: Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề có việc làm đạt hơn 80%. Thu nhập của lao động sau khi được học nghề cũng tăng hơn 50% so với trước khi được học nghề. Kết quả này góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh lên đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.
 
Tập trung nâng cao kỹ năng
Với mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn, bảo đảm nâng cao kỹ năng, để người lao động áp dụng vào sản xuất được hiệu quả, tăng thu nhập, tỉnh Cà Mau tập trung mở các lớp dạy nghề theo hướng nâng cao tay nghề, trang bị các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các trang thiết bị đồng bộ và từng bước hiện đại. Ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh luôn xác định nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có tầm quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
 
Với những nghề như nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, nông dân nhiều địa phương ở Cà Mau trước đây vốn nuôi trồng theo kinh nghiệm, năng suất không cao, hiệu quả kém và mất an toàn. Qua các lớp dạy nghề, người nông dân đã được trang bị kiến thức một cách có hệ thống, được hướng dẫn các phương pháp và kỹ thuật chọn giống thủy sản đạt chất lượng cao, cách chăm sóc, thu hoạch, chế biến phù hợp để nâng cao được hiệu quả sản xuất. Nhiều người sau khi được học nghề, được hỗ trợ trang thiết bị, vốn đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới và tự tin hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vốn là nghề truyền thống của gia đình.
 
Phú Tân là một huyện ven biển Tây của tỉnh Cà Mau. Người dân nơi đây vốn quen với nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản từ lâu. Vì vậy, theo lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Phú Tân, huyện tập trung thực hiện công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho lao động, chọn những ngành nghề phù hợp với địa phương để người lao động có thể có việc làm ngay sau đào tạo. Chỉ tính trong 10 tháng của năm 2019, huyện đã tổ chức được 86 lớp dạy nghề, truyền nghề cho hơn 2.600 học viên tham gia, đạt 129% kế hoạch của năm.

Trong đó, đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 13 lớp với gần 500 học viên. Nhiều nông dân sau khi được tham dự các lớp truyền nghề theo hướng nâng cao, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã thành công với nghề nuôi trồng thủy sản. Điển hình như một số lao động xã Phú Thuận, huyện Phú Tân đã thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến với chi phí đầu tư thấp, chủ yếu đầu tư con giống và men tạo tảo, nguồn thức ăn cho tôm được tận dụng từ tự nhiên, mang lại lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/ha/năm.
 
Không chỉ tổ chức đào tạo nghề, tỉnh Cà Mau còn đẩy mạnh hỗ trợ lao động nông thôn mở rộng quy mô sản xuất nhiều ngành nghề truyền thống có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như sản xuất các loại cá, tôm khô, làm chuối ép, mắm ba khía, làm đũa từ cây đước…Các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường hoạt động xúc tiến, thực hiện các thủ tục, đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề, hướng dẫn chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp lao động nông thôn yên tâm sản xuất nâng cao thu nhập. (Còn tiếp).
  Thanh Trà - Hồng Nhung
Bài 2:
Gỡ khó bằng nhiều giải pháp
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm