Nghĩa tình giữa mùa dịch nơi Thành phố mang tên Bác - Bài cuối

Nghĩa tình giữa mùa dịch nơi Thành phố mang tên Bác - Bài cuối
Bài cuối: Vì người dân thành phố, vì cả nước, cùng cả nước
“Vá lỗ hổng, gia cố chỗ yếu”
Có thể nói, để “giữ vững được trận địa”, Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn chủ động trong mọi tình huống, quyết tâm triển khai các giải pháp đồng bộ với tình thần “hổng chỗ nào vá chỗ đó, gia cố ngay những điểm còn yếu”.
Khách sạn Caravelle Sài Gòn, trên đường Đồng Khởi, quận 1 với thông điệp thân thiện “WE - chúng ta cùng đoàn kết, chung tay vươt qua dịch bệnh”. Ảnh: TTXVN (phát)
Khách sạn Caravelle Sài Gòn, trên đường Đồng Khởi, quận 1 với thông điệp thân thiện “WE - chúng ta cùng đoàn kết, chung tay vươt qua dịch bệnh”. Ảnh: TTXVN (phát)
 
Về công tác cách ly và chữa trị các ca mắc COVID-19,  Chủ tich UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh hiện áp dụng và duy trì nguyên tắc chống dịch, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và nguyên tắc “5 tại chỗ”, đó là lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men-sinh thiết tại chỗ; nhiệm vụ tại chỗ.
   
Nghiêm túc, chủ động thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều quyết định quan trọng, với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người dân trên địa bàn.
  
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Có thể khẳng định rằng, đến thời điểm hiện tại, thông qua việc kêu gọi người dân hạn chế đi lại trừ khi có việc bức thiết, tăng cường làm việc trực tuyến, bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi làm việc cũng như kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
  
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương tiên phong cho học sinh các cấp nghỉ học đến hết tháng 3 và gần nhất là đến hết ngày 19/4 nhằm hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho 60.000 sinh viên và 1,7 triệu học sinh các cấp trên địa bàn.

Khi nguy cơ xuất hiện khả năng lây lan dịch bệnh từ các địa điểm vui chơi đông người, từ ngày 14/3, thành phố đã yêu cầu ngừng hoạt động các loại hình kinh doanh dịch vụ như rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu...

Đến ngày 24/3, Thành phố tiếp tục tạm ngừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng và cả hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ. Không dừng ở đó, những vấn đề từ công tác khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân, cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp; giao thông vận tải, dịch vụ khách sạn; cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình homestay, Airbnb... cũng buộc phải tạm ngưng tiếp nhận khách, tạm dừng hoạt động.
  
Ngay từ rất sớm, chính quyền Thành phố đã chỉ đạo việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe… đến từng người dân để đảm bảo sức khỏe cho họ và cộng đồng. Thành phố cũng chỉ đạo cung ứng 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải, đảm bảo không thiếu khẩu trang vải cho nhu cầu của người dân, khẩu trang y tế được tập trung dành cho đội ngũ cán bộ y tế.
  
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh yêu cầu, các lực lượng phải chặt chẽ, quyết tâm hơn nữa không để dịch bệnh lây lan và mốc không quá 150 ca mắc bệnh được thành phố đưa ra như mà một mục tiêu để cả hệ thống cùng nỗ lực thực hiện.

Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đẩy mạnh kết hợp nhiều giải pháp và các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới. Các Sở, ngành, quận huyện nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh COVID-19, không chủ quan, lơ là vì sự an toàn của người dân và cộng đồng; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của thành phố.
  
Thấu hiểu trước những khó khăn của người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Chúng tôi hiểu doanh nghiệp là phải kiếm lời, kinh doanh nhưng trong điều kiện này không phải thời cơ kinh doanh. Nếu cố tình kinh doanh để dịch bệnh lây lan đó là tội đồ của đất nước. Với tình hình hiện nay, mỗi người dân phải chịu thiệt, ăn uống cũng hạn chế, đi lại hạn chế, thậm chí công việc phải nghỉ. Việc hạn chế sẽ gây thiệt hại cho người dân nhưng thiệt hại đó nhỏ hơn rất nhiều nếu chúng ta không khống chế nổi dịch.
  
Ngay sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay vào triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể hóa phù hợp với thành phố, nơi có hơn 10 triệu người dân. Từ đảm bảo cung ứng hàng hóa đến việc duy trì các hoạt động phòng chống dịch, hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố xuống đến từng tổ dân phố.
  
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu đảm bảo từ 6 tháng đến 1 năm. Song hơn bao giờ hết, trước diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp thì “Chúng ta không được chủ quan và cần chuẩn bị tinh thần để chống dịch trong giai đoạn mới. Vì vậy, các biện pháp Thành phố đã và đang triển khai là không thể thiếu để hạn chế lây lan dịch bệnh”, đặc biệt là sự đồng thuận từ mọi người dân, tổ chức trên toàn địa bàn.     
  
Ngay sau khi thực hiện cách ly xã hội, hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh, ngày 5/4, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai 62 chốt, trạm kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ thành phố; các bến tàu, bến xe, nhà ga nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra, vào thành phố. Thành phố còn triển khai lực lượng kiểm soát đường mòn, lối mở, bến thủy nội địa tiếp giáp với các tỉnh.
  
Tại buổi giao ban về tình hình dịch bệnh COVID-19 chiều 6/4, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong cả nước vẫn đang phức tạp, chưa lường trước được hết các diễn biến tiếp theo, cần tính toán đến việc chuyển xã hội sang trạng thái mới “không có dịch nhưng vẫn có nguy cơ virus” để chủ động các biện pháp phù hợp.
  
Trong quá trình triển khai các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định công tác thông tin, truyền truyền là giải pháp hàng đầu để vận động người dân, cả hệ thống chính trị cùng chung tay phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Trong giai đoạn 1 và 2 phòng chống dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hành 5 triệu tờ rơi, 5 triệu cuốn Cẩm nang “Hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Cô-rô-na (COVID-19)” (có bản tiếng Hoa, tiếng Anh) đến từng người dân và hộ gia đình; triển khai nhắn tin đến 12 triệu thuê bao trên địa bàn.

Bước vào giai đoạn 3, Thành phố tiếp tục in 5 triệu tờ rơi với nội dung “12 việc cần làm ngay để phòng chống dịch COVID-19", trong đó bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ban hành ngày 27/3/2020, đồng thời triển khai ngay cho các cơ sở quận, huyện, phường xã tổ chức “gõ cửa từng nhà” để phát cho các hộ gia đình, người dân.
  
Từ ngày 1/4, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức đưa vào hoạt động đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, góp ý của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại Trung tâm điều hành chỉ huy tích hợp Thành phố.
  
Là thành phố có hơn 450.000 doanh nghiệp, với cả triệu công nhân, trong đó có hơn 290.000 công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã ban hành bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại doanh nghiệp gồm 10 chỉ số thành phần.

Qua đó, xác định các nguy cơ, cơ sở để quyết định việc yêu cầu doanh nghiệp phải dừng hoạt động, cải thiện các mặt còn hạn chế để phòng chống dịch hiệu quả, tránh phát sinh các ổ dịch bệnh trong các doanh nghiệp.
  
Vì người dân thành phố, cả nước, cùng cả nước
Vì người dân thành phố, vì cả nước, cùng cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm giữ vững trận địa, đẩy lùi dịch COVID-19. Đây là tinh thần và quan điểm xuyên suốt được lãnh đạo Thành ủy và UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong công tác chỉ đạo thực hiện phòng chống, dịch COVID-19 trên địa bàn.
Các y, bác sỹ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm từng người trong khu cách ly. Ảnh: Thanh Vũ – Tuấn Quang - TTXVN
Các y, bác sỹ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm từng người trong khu cách ly. Ảnh: Thanh Vũ – Tuấn Quang - TTXVN
  
Chia sẻ nếu thành phố không làm tốt công tác ngăn chặn dịch COVID-19 sẽ có lỗi rất lớn với cả nước, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ, quyết không để dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Việc làm tốt các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa để điều này không xảy ra là cách tốt nhất để bảo vệ mình, bảo vệ người thân, bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh và góp phần vào “trận chiến” của cả nước”.
  
Có thể nói, những quyết sách kịp thời, hành động nhanh chóng của các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ người dân, nhất là đối tượng công nhân, người nghèo, người bán vé số dạo, gia đình chính sách... đã góp phần rất lớn trong đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình để người dân thành phố vững tin, chung tay cùng thành phố nói riêng, nhân dân cả nước nói chung  chiến thắng dịch COVID-19.
  
Về năng lực thực hiện cách ly tập trung và điều trị, Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng 12.696 giường phục vụ cách ly, đến hết ngày 7/4, còn trống hơn 9.700 chỗ. Song song với đó, ngành Y tế thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 2.300 giường và khả năng chữa bệnh cho khoảng 1.000 người mắc.

Thành phố hiện chỉ dùng khoảng 5% giường bệnh và chỉ có 22 ca mắc COVID-19 đang chữa trị. “Đây là sự chuẩn bị rất tốt của Thành phố trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
  
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, dịch bệnh không nằm trong kế hoạch của bất kỳ ai. Tổn thất của người dân, lãnh đạo thành phố thấu hiểu, đặc biệt giáo viên, học sinh thời gian qua phải dừng học tập, giảng dạy là điều không bình thường. Thời điểm này là lúc cả nước cần sự chia sẻ để cùng nhau chiến thắng đại dịch. Nếu không chấp nhận sự thiệt hại về kinh tế trước mắt, những hậu quả lớn hơn trên quy mô toàn quốc là không thể tránh khỏi.

"Trong giai đoạn vàng này, mỗi người dân chịu thiệt một chút vì lợi ích của cả nước", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
  
Trước đó, ngày 7/3, tại lễ phát động đợt thi đua 200 ngày vì Thành phố Hồ Chí Minh, vì cả nước, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích: "Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong tình hình chung, dịch bệnh làm kinh tế bị ảnh hưởng, hoạt động du lịch giảm, xuất khẩu giảm. Thực tế đó dẫn đến nhu cầu hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Tinh thần là làm sao hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp sản xuất hoàn thành nhiệm vụ. Quan trọng hơn, cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước, phát triển tiêu thụ nội địa, dịch vụ nội địa, khuyến khích phục vụ người dân trong nước”.  

Đồng chí cũng lưu ý: Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, tránh phụ thuộc, bị động vào hàng hóa nước ngoài. Với tinh thần “phòng bệnh, phòng dịch là hàng đầu”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ hy vọng Thành phố sẽ tiếp tục giữ vững những kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, đồng chí ghi nhận các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ, chung tay chống dịch; đội ngũ y bác sĩ đã nỗ lực chữa trị cho các bệnh nhân; các ngành, các cấp làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình./. (Hết).
 Hoàng Anh Tuấn
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm