Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chủ động vượt qua dịch COVID-19 - Bài 1

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chủ động vượt qua dịch COVID-19 - Bài 1
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết về vấn đề này với chủ đề "Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chủ động vượt qua dịch COVID-19". 
 
Bài 1: Đa dạng giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
Hiện nay, cùng với ngành Du lịch cả nước, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Cùng với đó, ngành Du lịch Thành phố cũng triển khai đồng bộ kế hoạch giảm tác động của dịch COVID-19 đối với ngành trong và sau dịch bệnh.
Du khách quốc tế tham quan, dạo phố các tuyến đường trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu
Du khách quốc tế tham quan, dạo phố các tuyến đường trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu

Du lịch chịu tổn thất nặng
Dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu sắc đến nền kinh tế khi thực hiện hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người... Trong đó, các ngành dịch vụ, bán lẻ... có sự giảm sút đáng kể. Riêng du lịch còn được đánh giá là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề từ dịch COVID-19 vì tình hình dịch bệnh đã lan rộng trên 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Trước bối cảnh khách du lịch hủy tour hàng loạt do tâm lý lo sợ dịch bệnh, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi người dân hạn chế đi lại và đóng cửa địa điểm du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào thời điểm dịch COVID-19 được khống chế trên thế giới. Hiện tại, dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đối với những ngành dịch vụ liên quan đến hàng không và du lịch.
 
Cụ thể, ngành Du lịch Việt Nam có thể sẽ thiệt hại từ 5-7 tỷ USD, chủ yếu từ việc thiếu hụt khách dẫn đến sụt giảm doanh thu. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn để vượt qua cơn khủng hoảng khi vẫn duy trì những khoản chi trả cho mặt bằng và nguồn nhân lực nếu không có nguồn quỹ dự phòng hoặc biện pháp chuyển đổi để thích nghi với diễn biến thị trường.
 
Tương tự, một số chuyên gia cũng đã đưa ra các kịch bản và dự báo tình huống xấu nhất là dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2020, hay tình huống tốt nhất là hết tháng 6/2020, mọi việc sẽ trở lại bình thường. Ngoài ra, sự thay đổi của thế giới cũng như cá nhân con người sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phản ứng của họ trước khủng hoảng do dịch COVID-19 với diễn biến ngày càng phức tạp.
 
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký ASEAN, kịch bản có thể xảy ra nhất là trong năm 2020, dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, nhưng vẫn lây nhiễm ở cấp độ thấp ở nhiều quốc qua. Thời gian kéo dài có thể từ 1 - 3 năm cho đến khi con người tạo ra thuốc đặc trị hiệu quả cho những bệnh nhân bị lây nhiễm.

"Với kịch bản này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa lo khôi phục kinh tế. Đặc biệt, những hoạt động du lịch, giao thương, đầu tư giữa các quốc gia sẽ phải đảm bảo duy trì ở mức an toàn. Ngành du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng cần phải thay đổi để đáp ứng một cách nhanh chóng với yêu cầu mới sau dịch COVID-19", ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm.
 
Chủ động ứng phó kịp thời
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, để chủ động ứng phó và kịp thời thực hiện giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở đã xây dựng và triển khai kịp thời Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực du lịch; kế hoạch giảm tác động đối với ngành Du lịch Thành phố trong và sau dịch COVID-19. Đồng thời, Sở Du lịch Thành phố chú trọng cập nhật thường xuyên thông tin chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh để hướng dẫn doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố tuân thủ nghiêm chỉ đạo của cơ quan chức năng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa việc lây nhiễm bệnh qua đường du lịch.
 
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch Thành phố đã và đang tăng cường công tác truyền thông trực tuyến, giới thiệu điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh “Hấp dẫn - Thân thiện - An toàn” thông qua phong phú hoạt động như truyền thông 10.000 Thư của Ủy ban nhân dân Thành phố gửi du khách đến Thành phố. Qua đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy công tác tuyên truyền, kêu gọi sự hợp tác của du khách trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như xây dựng hình ảnh điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước.
 
"Ngoài ra, Sở Du lịch phối hợp với Sở Ngoại vụ và Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã và đang thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố, không để xảy ra tình trạng kỳ thị đối với người nước ngoài, nhất là công dân một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.
 
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành Du lịch, tính đến thời điểm hiện nay, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tổng hợp danh sách hơn 30 doanh nghiệp lữ hành và khách sạn bị thiệt hại sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19 gây ra có nhu cầu vay vốn.

Trên cơ sở đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về việc cung cấp thông tin doanh nghiệp du lịch vay vốn bị thiệt hại do dịch COVID-19 và cần sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc vay vốn để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức.
 
Đặc biệt, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẩn trương triển khai công tác đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh của doanh nghiệp kinh doanh du lịch và đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đa dạng nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…/. (còn tiếp)
Mỹ Phương
Bài 2: Chủ động chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm