Các đại biểu cắt băng khai mạc. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Lễ hội đã thu hút 80 gian hàng; trong đó, huyện Đoan Hùng có 32 gian của các xã, thị trấn; 26 gian của 12 huyện, thành, thị và Liên minh HTX; 22 gian của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày các loại bưởi đặc sản được trồng trên đất Đoan Hùng như: bưởi Sửu, bưởi Diễn, bưởi Da Xanh; cam, chanh, quýt... các loại nông sản có thế mạnh, sản phẩm của các làng nghề, nông sản đặc sản của các địa phương trong tỉnh. Đây là dịp quảng bá, giữ gìn và nâng cao thương hiệu bưởi Đoan Hùng nói riêng và các nông sản chủ lực của tỉnh nói chung; qua đó, góp phần tôn vinh, gìn giữ và phát huy đặc sản của tỉnh, tạo cơ hội xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; liên doanh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động du lịch vùng miền. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và đánh giá cao giá trị sản phẩm mang lại từ cây bưởi đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp tỉnh. Cây bưởi được các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp lựa chọn là 1 trong số 59 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, được vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp năm 2015”.
Gian hàng trưng bày sản phẩm bưởi Đoan Hùng của xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng tại Hội chợ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Từ năm 2006, bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, bưởi Đoan Hùng đã trở thành thương hiệu đặc sản với tên “Bưởi Đoan Hùng - Hương vị Đất Tổ”. Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn; qua đó đã giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu trên cây bưởi. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.000 ha trồng bưởi, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, tổng sản lượng ước đạt 25 nghìn tấn, giá trị ước đạt khoảng 400 đến 500 tỷ đồng. Cùng với giống bưởi đặc sản Đoan Hùng, trên địa bàn huyện Đoan Hùng và nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển mạnh một số giống bưởi như: bưởi Xuân Vân, Diễn, Da xanh... cho năng suất chất lượng cao, đã tạo cho Phú Thọ trở thành vùng bưởi hàng hoá đa dạng có hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 300-600 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn mới. Lễ hội bưởi Đoan Hùng và Hội chợ nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2018 sẽ diễn ra đến 17/11. Các hoạt động diễn ra tại Lễ hội như: hội thảo quốc gia về "Phát triển bền vững cây ăn quả có múi theo chuỗi giá trị"; tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu; liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, các hoat hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ...
Đào An