Bạc Liêu phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế nguyên liệu địa phương

Bạc Liêu phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế nguyên liệu địa phương

Ngày 4/12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố năm 2023.

Bạc Liêu phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế nguyên liệu địa phương ảnh 1Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu; lãnh đạo các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, các cơ sở, doanh nghiệp, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử…trong và ngoài tỉnh.

Hội nghị là dịp để kết nối giữa các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp đầu mối, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh với các chủ thể OCOP của tỉnh Bạc Liêu, nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, hợp tác phát triển và mở rộng đến với thị trường các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh và cả nước, tạo mối liên kết giữa cung cầu sản xuất và tiêu thụ, góp phần tiêu thụ hàng hóa ổn định.

Tại hội nghị, các cơ sở, doanh nghiệp của tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng và tiến hành ký kết 24 biên bản ghi nhớ kết nối giao thương các sản phẩm OCOP.

Bạc Liêu phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế nguyên liệu địa phương ảnh 2Đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Cận cho biết: Chương trình OCOP là trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Bạc Liêu phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế nguyên liệu địa phương ảnh 3Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu chứng kiến các các cơ sở, doanh nghiệp của tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố ký kết biên bản ghi nhớ kết nối giao thương các sản phẩm OCOP. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 130 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 33 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 97 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu phong phú và đa dạng, nhưng chưa thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa thực hiện hiệu quả việc xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Để quảng bá, tiếp thị sản phẩm đặc trưng vùng, miền gắn với phát triển du lịch, tỉnh bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, thông qua tổ chức hội chợ cấp tỉnh; tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế; xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu, đặc biệt là kết nối ngay từ giai đoạn sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất - thị trường.

Chanh Đa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm