Sinh ra và lớn lên tại xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum từ khi còn nhỏ, bà Y Minh đã được mẹ dạy cho cách ủ rượu cần truyền thống bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như: bo bo, mì, nếp than… Lớn lên, bà làm công nhân Công ty Thương nghiệp cấp III của huyện Kon Plông tại thị trấn Đăk Rve hiện nay. Đến năm 1977, bà lập gia đình và sinh sống ở thị trấn này cho đến tận bây giờ. Bà Y Minh tâm sự: Để làm được một ghè rượu cần, bà tự lên rừng tìm nguyên liệu về làm men ủ rượu. Dù đi đâu, làm công việc gì, thì sau khi trở về nhà, bà cần mẫn chọn kỹ những vỏ cây, lá cây, rễ cây rừng để làm men. Men rượu cần thường được làm từ cây plo - loại cây có thân dây leo, lá mỏng. Đây là loại cây rừng có mùi thơm, vị hơi cay. Muốn rượu cần ngọt the the thì dùng rễ cây plo làm men. Muốn rượu cần vị cay cay hơi đắng thì dùng vỏ cây plo làm men. Muốn rượu cần chua vị nồng thì dùng lá plo làm men. Để tìm loại cây plo này, bà thường lên các khu rừng Kon Túc của xã Đăk Pne mới có. Sau khi lấy cây plo đem về, bà giã nát ra rồi vắt lấy nước trộn với gạo trắng hoặc gạo đỏ. Sau khi trộn đều, bà vắt lại thành từng cục, phơi khô để tạo thành men khô. Khi làm rượu cần, bà lấy những cục men khô được giã thành bột, rắc đều vào các nguyên liệu dùng để ủ rượu như nếp than, bo bo, gào kê, củ mì, gạo nếp… đã được nấu chín. Sau đó, bà cho vào ghè để ủ, đậy kín miệng. Khoảng 1 tháng sau là có thể uống được.
Bà Y Minh và con gái đang ủ rượu cần |
Mỗi nguyên liệu sẽ mang đến những hương vị khác nhau rất đặc trưng. Nếu muốn rượu có vị cay nồng thì sử dụng hạt gào. Nếu muốn rượu có vị ngọt thì dùng nếp than. Nếu muốn rượu có vị vừa nồng vừa ngọt thì sử dụng gào pha lẫn nếp than để làm… “Tiếng lành đồn xa”, từ 1-2 ghè dùng trong gia đình, đến 5- 6 ghè phục vụ các lễ hội như: mừng lúa mới, mừng nhà rông… cho đến lễ hội văn hóa các dân tộc do huyện tổ chức, hầu như mọi người đều tìm đến bà Y Minh để đặt mua rượu cần truyền thống. Chị Y Ka ở Đoàn Nghệ thuật tỉnh tâm sự: Vào dịp lễ tết, tôi thường mua khoảng 5-6 ghè rượu nếp than của bà Y Minh để dùng. Uống rượu nếp than của bà Y Minh nấu rất ngon, đảm bảo chất lượng... Còn anh Nguyễn Tường, người dân đã từng sống nhiều năm ở vùng đất Kon Rẫy nay đã chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống cho biết: Năm nào tôi cũng đặt bà Y Minh từ 4 - 5 ghè rượu nếp than để chiêu đãi bạn bè khi tết đến, xuân về. Bà Y Minh cho biết thêm, hiện nay, đã có khoảng 30 khách hàng đặt trên 100 ghè rượu nếp than để dùng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới. Để không mai một nghề làm rượu cần truyền thống, đặc biệt là rượu cần nếp than được khách hàng ưa chuộng hiện nay, bà Y Minh đã truyền lại bí quyết cho người con gái Y Nhàn và con dì Y Hảo ở xã Đăk Tờ Lung…. Tâm sự với chúng tôi, chị Y Nhàn cho biết: Tuy rượu cần không phải là thu nhập chính, nhưng mình đã học hỏi làm rượu cần từ mẹ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình và cũng là giữ gìn truyền thống của dân tộc. Cứ cuối tuần rảnh rỗi là mình lại nấu nguyên liệu như: bắp, mì, nếp than, gào… để ủ rượu. Mỗi khi có khách hàng khen rượu cần ngon mình thấy rất vui. Người dân tộc Xơ Đăng thật thà chất phác cùng với những ghè rượu cần đã làm đắm say biết bao lòng người. Trong đó, bà Y Minh - người phụ nữ với khát vọng giữ gìn nghề chế biến rượu cần truyền thống - đã âm thầm ngày đêm góp phần mang hương rượu cần bay xa…
Theo baokontum.com.vn