Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng thương hiệu sản phẩm ca cao

Kiểm tra chất lượng trái ca cao tươi tại vườn. Ảnh: baobariavungtau.com.vn
Kiểm tra chất lượng trái ca cao tươi tại vườn. Ảnh: baobariavungtau.com.vn

Do không có đầu ra, hiệu quả kinh tế thấp nên những năm trước đây, cây ca cao đã bị nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu chặt bỏ thay bằng các loại cây trồng khác hoặc bỏ bê không chăm sóc. Thế nhưng, từ 3-4 năm trở lại đây, cây ca cao Bà Rịa-Vũng Tàu đã dần hồi sinh mạnh mẽ.

Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng thương hiệu sản phẩm ca cao ảnh 1Kiểm tra chất lượng trái ca cao tươi tại vườn. Ảnh : baobariavungtau.com.vn

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, Chi cục sẽ kết nối để đưa những sản phẩm nông nghiệp an toàn; trong đó, có ca cao vươn ra thị trường.

Ông Nguyễn Bá Hoàng ở ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 5 sào đất trồng ca cao xen cây ăn trái, hiện nay đang cho thu hoạch với sản lượng trên 1,5 tấn hạt khô mỗi năm với thu nhập trên 150 triệu đồng từ cây ca cao.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, vườn ca cao này đã có lúc ông Hoàng có ý định chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác. Bởi, giá và đầu ra của trái ca cao lúc đó không ổn định, sâu bệnh nhiều.

Sau nhiều năm bỏ bê vườn ca cao, năm 2017, ông Hoàng tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Thêm vào đó, được sự hỗ trợ từ Công ty ca cao Thành Đạt về giống, vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, thay vì canh tác theo hướng vô cơ, ông Hoàng bắt đầu chuyển hẳn sang canh tác ca cao hữu cơ. Tức là hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu như trước đây, ca cao chỉ có giá 60 nghìn đồng/kg hạt, thì nay ông bán được với giá 100 nghìn/kg.

Nắm vững kỹ thuật canh tác, đầu ra sản phẩm lại ổn định nên ông Hoàng đã trồng thêm 3 sào ca cao, chuẩn bị cho thu hoạch trong năm tới. Ông Hoàng chia sẻ, sau nhiều lần đắn đo giữa việc giữ lại hay chặt bỏ cây ca cao, đến nay ông thấy rằng, việc giữ cây ca cao này là đúng. Bởi, đây là loại cây không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, hiện giá bán ổn định. Sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho công ty thu mua.

Năm 2003, được sự khuyến khích của Trung tâm Khuyến nông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Trương Ngọc Lân ở ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đã chọn cây ca cao canh tác trên diện tích 8 sào đất vườn. Nhờ khí hậu ấm áp, đất đỏ bazan màu mỡ và kiến thức học được, ông Lân áp dụng thành công mô hình chuyển đổi và sau đó, ông tăng diện tích trồng lên 1ha.

Đầu năm 2020, ông Lân áp dụng quy trình canh tác ca cao organic để có sản phẩm an toàn, cung cấp nguyên liệu sản xuất ca cao xuất khẩu. Đồng thời, nghiêm ngặt tuân thủ quy trình, cây ca cao ra hoa đều; tỷ lệ đậu trái cao và đạt chất lượng tốt, trái đồng đều. Sản lượng đạt trên 2,4 tấn hạt khô/ha và được Công ty ca cao Thành Đạt tại xã Xà Bang thu mua toàn bộ sản phẩm. Canh tác theo quy trình organic không chỉ an toàn cho sức khỏe, giá bán cao mà đầu ra của sản phẩm ca cao lại ổn định đã khiến ông Lân vô cùng phấn khởi.

Trong cơ cấu cây trồng đã được tỉnh quy hoạch, ca cao là loại cây trồng xen canh, vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để trồng ca cao là hơn 1.500 ha. Do diện tích nhỏ, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chú trọng nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho cây ca cao phát triển bền vững.

Để xây dựng thương hiệu cho cây ca cao Bà Rịa-Vũng Tàu, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên áp dụng các quy trình khoa học kỹ thuật từ khâu trồng trọt, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, bảo đảm các tiêu chuẩn mà các nhà sản xuất ca cao trên thế giới yêu cầu. Hiện, trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên sản xuất ca cao Thành Đạt là đơn vị chế biến ca cao có uy tín đã thu mua hầu hết sản phẩm cho nông dân.

Cũng theo ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Châu Đức là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất để trồng cây ca cao, với diện tích khoảng 500 ha ca cao, năng suất đạt từ 2,4-3 tấn hạt khô/ha. Với tiêu chí nông sản sạch, thời gian qua Công ty TNHH Một thành viên sản xuất ca cao Thành Đạt đã liên kết với nông dân hướng dẫn cách trồng và chăm sóc ca cao theo phương pháp hữu cơ. Bên cạnh đó, kiểm tra chặt quy trình sản xuất từ khâu lựa quả, tách vỏ cho đến lên men, phơi, rang hạt… để cho ra sản phẩm ca cao hữu cơ đạt chuẩn nhất. Hiện sản phẩm ca cao của công ty này đã được nhiều đối tác nước ngoài chú ý tới. Năm 2019, những tấn hạt ca cao đầu tiên “made in Bà Rịa-Vũng Tàu” đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Không dừng ở đó, công ty đã sản xuất sản phẩm chocolate và đã được phía đối tác Nhật Bản kiểm tra, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và giữa tháng 12/2020 vừa qua 1,5 tấn hàng đầu tiên về sản phẩm chocolate organic của Bà Rịa-Vũng Tàu được xuất sang thị trường Nhật Bản theo con đường chính ngạch.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, ca cao Bà Rịa-Vũng Tàu chinh phục được các thị trường khó tính vì không chỉ đầu tư cho khâu chế biến mà các hộ nông dân còn đầu tư cho khâu canh tác tạo ra vùng nguyên liệu sạch cho đầu vào.

Từ năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ca cao liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân canh tác theo tiêu chuẩn organic… Cụ thể, với mô hình này, việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ đã cho ra nguyên liệu ca cao sạch, an toàn, đạt chuẩn để sản xuất ra những sản chocolate organic đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ca cao của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cao, nhưng nguồn nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều nên ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xác định từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng ca cao hữu cơ. Đồng thời, phát triển lên 650 ha ca cao ở huyện Châu Đức; trong đó, 15 ha sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn organic để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng cao.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm