Yên Bái thiết lập đồng bộ 4 trụ cột chính chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn

Liên kết sản xuất ở Yên Bái đã mở ra hướng đi mới nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế và bảo đảm hài hòa, ổn định lợi ích của các chủ thể tham gia, giúp cho người nông dân từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất.

vna_potal_hieu_qua_lien_ket_san_xuat_nong_san_tai_yen_bai__7549052.jpg
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình liên kết trồng và chế biên tơ tằm tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát

Thúc đẩy sản xuất hàng hóa

Sau nhiều bài học rút ra từ thực tiễn, tỉnh Yên Bái đã tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng việc chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nhằm tạo ra nhiều mô hình sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tăng nhanh sản lượng nông sản qua chế biến, tỉnh Yên Bái đã từng bước hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với những cây, con chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp khai thác triệt để lợi thế, thúc đẩy nông nghiệp Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, khuyến khích chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nông sản hữu cơ, an toàn. Nhiều sản phẩm nông sản của Yên Bái đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có mã số vùng trồng, từng bước gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị tại Yên Bái là tác nhân quan trọng chuyển mạnh từ xây dựng các "chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các "chuỗi giá trị ngành hàng”. Đồng thời, từng bước thiết lập đồng bộ cả 4 trụ cột chính của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, đó là: nhận thức chuyển đổi số, nền tảng số, hạ tầng số, nguồn nhân lực chuyển đổi số.

vna_potal_hieu_qua_lien_ket_san_xuat_nong_san_tai_yen_bai__7549050.jpg
Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 44 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, cấp được 68 mã số vùng trồng. Ảnh: TTXVN phát

Nhờ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, Yên Bái đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, như: cây nguyên liệu gỗ 90.000 ha; cây quế 81.000 ha; cây sơn tra 12.000 ha; cây ăn quả 25.000 ha; măng tre Bát Độ 6.000 ha; cây dược liệu 3.400 ha; nuôi thủy sản 23.000 ha... đảm bảo cho hơn 30 doanh nghiệp và hơn 600 hợp tác xã chế biến và tiêu thụ nông sản hoạt động ổn định, hiệu quả.

Có thể khẳng định, việc hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay. Tuy nhiên, để chuỗi liên kết này phát triển bền chặt, lâu dài, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, hữu hiệu.

Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho rằng, thực tế cho thấy, quá trình liên kết rất cần có sự tuân thủ nghiêm túc và giàng buộc pháp lý của các bên tham gia; trong đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương phải tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, bảo vệ và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

Trách nhiệm người nông dân phải tuân thủ các quy định đã thỏa thuận trong hợp đồng; nhanh chóng nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng quản trị đồng ruộng, kỹ thuật sản xuất ở quy mô lớn. Đối với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm hợp đồng đã ký với người dân; phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ sản xuất cho người dân; chịu trách nhiệm chính gắn kết các bên để phát triển chuỗi liên kết bền vững, hiệu quả.

vna_potal_hieu_qua_lien_ket_san_xuat_nong_san_tai_yen_bai__7549051.jpg
Vườn mận sạch của gia đình ông Trần Bá Đức tại thôn 8, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Chính sách hỗ trợ liên kết

Để các mô hình chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, tỉnh Yên Bái đã tăng cường hỗ trợ liên kết "6 nhà”, nòng cốt là liên kết nhà nông với nhà doanh nghiệp; làm cơ quan trung gian gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Có cơ chế cụ thể hỗ trợ trực tiếp các mô hình liên kết trong thời gian đầu thực hiện.

Hiện, tỉnh đã hỗ trợ để có 44 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, cấp được 68 mã số vùng trồng; hỗ trợ thực hiện 21 dự án liên kết chuỗi giá trị; trong đó, hỗ trợ chăn nuôi cho 128 cơ sở với tổng vốn hỗ trợ trên 24 tỷ đồng; trồng rừng bền vững được 1.425 ha, với tổng vốn trên 60 tỷ đồng... Đặc biệt, đã hỗ trợ xúc tiến đầu tư nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, có thương hiệu mạnh vào địa bàn.

Bà Trương Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái đã thu hút được 48 dự án, tổng vốn đăng ký 5.270,7 tỷ đồng và 78,6 triệu USD vào lĩnh vực chế biến nông sản. Cùng với đó, hàng nghìn hộ dân, hợp tác xã xây dựng mối liên kết sản xuất, đầu tư vào khâu chế biến tăng vọt, đa dạng hóa sản phẩm nông sản. Đến nay, nông, lâm sản đã trở thành một trong 4 nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

vna_potal_hieu_qua_lien_ket_san_xuat_nong_san_tai_yen_bai__7549049.jpg
Sản xuất sản phẩm chè Shan của người dân xã Nậm Búng và Gia Hội liên kết sản xuất với Hợp tác xã Gia Hưng, thôn Thanh Hùng, phường Gia Thịnh, thành phố Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát

Là địa phương đi đầu thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh cho biết, huyện đã làm tốt công tác quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn; khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; hỗ trợ cụ thể cho từng dự án thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, huyện Văn Yên thu hút doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả; tại những vùng có sản lượng nông sản lớn huyện hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, tuyển dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi hình thành cụm liên kết sản xuất, để trở thành động lực tăng trưởng cho các địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất nông sản trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái đã và đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện mạng lưới đường giao thông, kho bãi để tăng khả năng liên kết giữa vùng sản xuất với các trung tâm chế biến và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ đổi mới công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản; thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến nông nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch để hình thành và mở rộng các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và cung cấp đủ nguyên liệu cho các đơn vị chế biến; tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến thông qua áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất hiện đại.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm