Bàn giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Ngày 24/5, Hội thảo Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững đã diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số tại tỉnh Hậu Giang.

haugiang1.jpg
TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm Đổi mới xanh, Viện Nghiên cứu ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: baohaugiang.com.vn

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học gợi mở nhiều giải pháp công nghệ chuyển đổi số hữu hiệu giúp cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp kết nối và ứng dụng đạt kết quả để lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển, khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Hội thảo đề cập nội dung như giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp từ cơ sở đến quản lý nhà nước, ứng dụng AI tạo sinh trong quản lý phát thải khí nhà kính và dịch bệnh trên đồng ruộng...

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; vì vậy, để giải quyết những khó khăn, thách thức của ngành cần thiết có sự đổi mới và chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Quá trình chuyển đổi còn giúp hàng triệu hộ nông dân Đồng Tháp tiếp cận, cập nhật kiến thức mới, mở ra cách làm mới để thay đổi, hòa nhịp xu thế phát triển mới, ông Nguyễn Văn Vũ Minh chia sẻ.

Thời gian qua, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý; tuy nhiên chỉ mang tính chất bước đầu, thiếu sự đồng bộ và quy mô còn nhỏ. Do đó, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, ngành Nông nghiệp của tỉnh xây dựng kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, bộ dữ liệu và lắp đặt các thiết bị nông nghiệp thông minh (trạm quan trắc sâu rầy thông minh, trạm đo mặn tự động...) phục vụ sản xuất, cảnh báo và quản lý điều hành. Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, nước sạch, quản lý chất lượng nông lâm sản...

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang triển khai thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Với những nội dung của đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất cần các giải pháp công nghệ chuyển đổi số để hỗ trợ thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Sông Hậu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm