Chuyển đổi số nông nghiệp gắn với thương mại điện tử

Dây chuyền sơ chế trứng gà của Nhà máy xử lý trứng Hoà Phát ở Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Dây chuyền sơ chế trứng gà của Nhà máy xử lý trứng Hoà Phát ở Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Mô hình "Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ triển khai từ tháng 11/2021, đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả cao cho người dân và các đơn vị, doanh nghiệp… trên địa bàn.

Chuyển đổi số nông nghiệp gắn với thương mại điện tử ảnh 1 Dây chuyền sơ chế trứng gà của Nhà máy xử lý trứng Hoà Phát ở Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo đó, dựa trên kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng hệ thống phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng, vận hành phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp hoạt động trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng "Agritech- Chuỗi nông nghiệp số" cho thiết bị di động. Các tính năng đều được minh họa bằng biểu tượng/hình ảnh, dễ sử dụng cho mọi người dân.

Phần mềm và ứng dụng đã tích hợp đầy đủ các phân hệ trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản. Trong mỗi phân hệ có đủ công cụ quản lý, thống kê, mẫu biểu hồ sơ hỗ trợ cấp chứng nhận/chứng chỉ (VietGAP, hữu cơ, FSC, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm,...) các thủ tục hành chính liên quan đến từng lĩnh vực.

Mô hình đã lựa chọn 50 cơ sở sản suất và sản phẩm OCOP để thực hiện chuyển đổi số gồm các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông lâm sản. Các sơ sở tham gia chuyển đổi số được cấp mã số, hướng dẫn cài đặt trên hệ thống, được sơ đồ hóa và định vị GPS cơ sở sản xuất; quản lý và cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, nhật ký điện tử sản suất theo thời gian thực; mã hóa và xuất code tem truy xuất nguồn gốc QR kết nối với dữ liệu đầu vào cho từng sản phẩm. Tính đến nay, có gần 50 đơn vị đang thực hiện tham gia áp dụng phần mềm chuyển đổi số.

Theo ông Bùi Xuân Trường, chủ trang trại chăn nuôi và kinh doanh gà giống, gà thịt ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, từ khi áp dụng phần mềm ông thấy rất thuận tiện trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để thông báo lịch tiêm, loại vắc xin được sử dụng, mã đơn hàng khi cung cấp cho khách hàng và rất tiện cho khách hàng tìm hiểu, giúp ông Trường mở rộng thị trường. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nên sớm thực hiện việc chuyển đổi số theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định hơn.

Ông Đặng Ngọc Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ chia sẻ, sau một thời gian triển khai, phần mềm được các đơn vị đánh giá phù hợp, dễ sử dụng, phù hợp với các thiết bị thông minh hiện nay. Việc ứng dụng phần mềm chuyển đổi số góp phần quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, minh bạch thông tin về sản phẩm, tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng, kết nối thương mại, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập của người sản xuất. Đồng thời, từng bước số hoá dữ liệu sản xuất, tiến tới xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lớn về nông nghiệp tỉnh Phú Thọ.

Hiện, ngành nông nghiệp Phú Thọ đã thực hiện được việc lắp đặt phòng truyền thông, hội thảo, đào tạo trực tuyến đa luồng với tối thiểu 100 điểm cầu, hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến cho các cơ sở tham gia chuyển đổi số. Cùng đó, tổ chức đào tạo, tập huấn cho gần 180 lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phụ trách và các đơn vị tham gia chuyển đổi số.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp được gần 10.000 tem QR kiểm dịch, tương đương với gần 10.000 chuyến hàng vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, chương trình cũng đã hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, biển bảng mô hình cho các đơn vị tham gia và áp dụng tốt chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm…

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Phú Thọ sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, đặc biệt là các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng phần mềm nhằm chuẩn hóa quy trình sản suất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa và xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, tiến tới xây dựng thương hiệu cho một số nông sản đặc trưng của Đất Tổ.

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm