Chuyển đổi số góp phần phát triển Hợp tác xã theo hướng bền vững ở Đồng Tháp

Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đạt 5/12 chỉ tiêu, trong đó, 2 chỉ tiêu chính quyền số và 3 chỉ tiêu kinh tế số trong nông nghiệp.

vna_potal_le_ton_vinh_hop_tac_xa_tieu_bieu_va_trao_giai_“ngoi_sao_hop_tac_xa”_lan_thu_nhat_2024__7318517.jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chụp ảnh chung với 100 HTX tiêu biểu năm 2024. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, về chính quyền số trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 100% cơ sở dữ liệu thuộc ngành Nông nghiệp quản lý từ tuyến tỉnh, huyện, xã được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội. 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng.

Về kinh tế số trong nông nghiệp, toàn tỉnh hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo cấp quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đồng thời phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh, giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh, quốc gia.

Toàn tỉnh có hơn 14% hội quán, 17% Hợp tác xã ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử thông qua Tổ Công nghệ số cộng đồng. Tỉnh xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số và thiết bị giám sát IoT, viễn thám giúp thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành trong hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng, đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thông tin thị trường... thông qua nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp ở lĩnh vực Thủy lợi, Giám sát côn trùng thông minh.

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp được các cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhờ đó, tạo sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh lắp đặt 6 Trạm quan trắc nước, 15 Trạm giám sát côn trùng sử dụng IoT trong việc tự động thu thập dữ liệu phục vụ cảnh báo, dự báo các bất lợi do thiên nhiên và dịch bệnh gây ra để kịp thời ứng phó. Đồng thời duy trì vận hành 28 phần mềm/cơ sở dữ liệu, trong đó có 19 phần mềm/cơ sở dữ liệu do các đơn vị của Trung ương triển khai, 9 phần mềm/cơ sở dữ liệu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc UBND tỉnh triển khai.

Việc triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực thuộc ngành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp được duy trì ổn định với 15 biểu mẫu báo cáo thuộc lĩnh vực quản lý. Mô hình “Làng thông minh” tại xã Tân Thuận Tây cơ bản hoàn thành với khối lượng ước đạt 95%, tỉnh đang triển khai nhân rộng đến các xã nông thôn mới nâng cao.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành là điển hình trong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng Tháp. Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành cho biết, Hợp tác xã có gần 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, gần 100% nông dân sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm lúa, gạo, nước uống đóng bình, đóng chai đều gắn mã QR minh bạch trong sản xuất, đảm bảo chất lượng, tính an toàn, thuận tiện trong quản lý, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Hợp tác xã sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thiết bị bơm nước tự động, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm...

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả sản xuất và kinh tế cao, góp phần phát triển Hợp tác xã theo hướng bền vững. Trong việc tự động thu thập dữ liệu canh tác phục vụ cảnh báo, dự báo, truy xuất nguồn gốc, có trên 1.000 mã vùng trồng với 79.044,49 ha được phê duyệt phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và 7 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn bộ dữ liệu truy xuất nguồn gốc đều được tích hợp, quản lý trên nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm