Các hợp tác xã tỉnh Hà Nam ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh

Nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

vna_potal_hop_tac_xa_tai_ha_nam_ung_dung_khoa_hoc_cong_nghe_va_chuyen_doi_so_trong_hoat_dong_san_xuat_kinh_doanh_7447486.jpg
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ việc sản xuất kinh doanh, HTX Hoàng Trà đã nâng cao năng suất và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Hợp tác xã Hoàng Trà (xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) chuyên sản xuất trà sen (trà ướp hoa sen) được thành lập năm 2022. Hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Nguyên liệu trà được mua tại Hợp tác xã Tâm trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Hoa sen được hợp tác xã trồng tại huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên. Trà sau khi được ướp hoa sen được sấy thăng hoa – công nghệ sấy tiên tiến nhất hiện nay. Với phương pháp sấy này, sản phẩm trà sen được giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên.

vna_potal_hop_tac_xa_tai_ha_nam_ung_dung_khoa_hoc_cong_nghe_va_chuyen_doi_so_trong_hoat_dong_san_xuat_kinh_doanh_7447485 (1).jpg
HTX Hoàng Trà tại xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) sử dụng phương pháp hút chân không để bảo quản trà sen. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Anh Trần Đăng Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Trà cho biết, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hợp tác xã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên website, các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và ứng dụng phần mềm công nghệ trong nghiệp vụ kế toán, báo cáo thuế, thanh toán điện tử… Nhờ đó, việc sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã ngày càng phát triển. Khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có 1 máy sấy công suất nhỏ vài chục kg/ngày, đến nay đã nâng lên 4 máy, công suất 500 kg/ngày. Cùng với trà sen, Hợp tác xã Hoàng Trà đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khác như: trà làm từ lá sen, trà thảo mộc, củ sen sấy, hạt sen sấy gia vị… Hợp tác xã đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

vna_potal_hop_tac_xa_tai_ha_nam_ung_dung_khoa_hoc_cong_nghe_va_chuyen_doi_so_trong_hoat_dong_san_xuat_kinh_doanh_7447484.jpg
HTX Hoàng Trà tại xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đầu tư máy sấy thăng hoa với công nghệ sấy tiên tiến nhất hiện nay vào sản xuất, nâng cao năng suất từ vài chục kg/ngày lên 500kg/ngày. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Hợp tác xã Du lịch sinh thái, dệt lụa Hồng Tiến (xã Mộc Nam, Duy Tiên) được thành lập năm 2021 với ngành nghề kinh doanh: sản xuất các sản phẩm tơ lụa, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sợi tổng hợp các loại, du lịch trải nghiệm, tâm linh, du lịch làng nghề…. Để bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay, hợp tác xã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không chỉ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các hộ thành viên trên website, các trang mạng xã hội; hợp tác xã còn vận động, khuyến khích các thành viên ứng dụng phần mềm công nghệ trong nghiệp vụ kế toán, báo cáo thuế…

Ông Nguyễn Tiến Quảng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái, dệt lụa Hồng Tiến cho biết, thành viên của hợp tác xã là những nghệ nhân, thợ giỏi, chủ cơ sở sản xuất lụa có tiếng của làng nghề dệt lụa Nha Xá. Hiểu rõ vai trò quan trọng của việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để quảng bá, bán hàng trong thời đại số, thời gian qua, các thành viên của hợp tác xã đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về nội dung chuyển đổi số do các cơ quan chức năng tổ chức.

Đến nay, các hộ thành viên đều đã đăng tải sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trên website, facebook của hợp tác xã cũng như của cá nhân hộ kinh doanh. Không cần làm thủ công, ghi chép sổ sách như trước đây, với sự trợ giúp của phần mềm công nghệ, các hộ kinh doanh dễ dàng quản lý được đơn hàng, doanh số bán hàng từng ngày ngày; sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn...

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 304 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó, có 26 hợp tác xã hoạt động theo chuỗi giá trị, 15 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản xuất, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Hà Nam xây dựng sàn giao dịch điện tử của tỉnh với tất cả các hợp tác xã trên địa bàn nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các hợp tác xã phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các hợp tác xã; tổ chức cho các hợp tác xã, đơn vị thành viên có sản phẩm hàng hóa tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tại các hội chợ xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức.

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các hợp tác xã; tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho các hợp tác xã; tổ chức cho các hợp tác xã đi giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.

Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các mô hình chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực; kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử, xây dựng website giới thiệu sản phẩm, dịch vụ…

Nguyễn Chinh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm