Các hợp tác xã ở Tiền Giang tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị

Hiện nay, mạng lưới các hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản tại Tiền Giang phát triển mạnh, góp phần thu hút nông dân làm ăn tập thể kiểu mới, tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

vna_potal_ap_dung_tuoi_tiet_kiem_nuoc_de_san_xuat_rau_mau_trong_mua_han_man_7352238.jpg
Thu hoạch rau tại một hợp tác xã thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú, toàn tỉnh đã thành lập được 195 hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản, thu hút gần 45.000 thành viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 2.300 lao động. Ước tính đến đầu tháng 5/2024, mạng lưới hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản trong tỉnh Tiền Giang đã đạt tổng doanh thu trên 111,7 tỷ đồng, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá, tại Tiền Giang, các hợp tác xã nông nghiệp - thủy sàn chủ động đổi mới hoạt động, tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ xã viên ứng dụng khoa học nông nghiệp vào sản xuất, thực hiện quy trình canh tác theo VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hướng hữu cơ; liên kết doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa…

Trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, các hợp tác xã chuyên về sản xuất lúa gạo đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.500 ha. Đi đầu có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (Cái Bè), Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (Cai Lậy), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (Cái Bè), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (Gò Công Đông), Hợp tác xã dịch vụ nông thôn Bình Nhì (Gò Công Tây)…

Thực hiện mô hình liên kết cánh đồng lớn, trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, các hợp tác xã thu hoạch diện tích trong mô hình đạt năng suất bình quân từ 70 - 72 tạ/ha, giá bán được các doanh nghiệp bao tiêu cao hơn thị trường từ 600 - 900 đồng/kg, nông dân lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ha sau vụ sản xuất, cao nhất từ trước đến nay.

Các hợp tác xã sản xuất rau an toàn nhiều năm nay đã liên kết cung ứng rau an toàn cho các siêu thị, bếp ăn tập thể trong ngoài tỉnh, các chợ đầu mối… với gần 40 chủng loại rau, sản lượng cung ứng trong các tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 5.000 tấn. Đi đầu có Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (Gò Công Đông), Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau quả Long Thuận (thành phố Gò Công)…

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây) Võ Minh Luân cho biết, Hợp tác xã thu hút 130 thành viên, canh tác gần 14 ha rau an toàn theo tiêu chí VietGAP. Nhiều năm nay, nhờ liên kết với các bếp ăn tập thể, siêu thị, chợ đầu mối… cung ứng rau an toàn theo mô hình chuỗi giá trị đã góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên và nông dân trong mô hình liên kết.

Theo ông Võ Minh Luân, trung bình mỗi ngày, thông qua liên kết, Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới cung ứng cho thị trường trên 4 tấn rau an toàn. Qua khảo sát, với hộ canh tác trung bình 1.000 m2 rau an toàn có thu nhập 8 - 9 triệu đồng/tháng. Do vậy, người dân an tâm gắn bó với hợp tác xã, tổ chức sản xuất đạt hiệu quả ngày càng cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Gò Công Tây) Nguyễn Thanh Quang chia sẻ, với trên 20 ha rau an toàn, thông qua mô hình liên kết chuỗi giá trị, trung bình mỗi ngày Hợp tác xã cung ứng thị trường 5 tấn rau an toàn cho các đối tác. Để duy trì sản xuất quanh năm, đặc biệt là trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn 2023 - 2024 diễn biến phức tạp, Hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ đầu tư 2 trạm bơm điện lấy nước tưới tiêu. Các trạm bơm điện này đang phát huy hiệu quả tưới tiêu, giúp Hợp tác xã đảm bảo dây chuyền sản xuất - tiêu thụ rau an toàn, không để bị đứt quãng trong thời điểm khô hạn khốc liệt trong mùa khô năm nay.

Tại huyện cù lao Tân Phù Đông, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Phú Tân có trên 60 ha sản xuất theo mô hình một vụ tôm + 1 vụ lúa/năm (tôm + lúa) mang lại hiệu quả cao vừa thích ứng hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai.

Giám đốc Hợp tác xã Hà Văn Hải cho biết, đơn vị liên kết doanh nghiệp nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, sản xuất lúa theo tiêu chí GlobalGAP đã giúp nâng thu nhập bình quân đạt 50 - 60 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, 100% hộ dân được công nhận khá, giàu, không còn hộ nghèo.

Đặc biệt, 43 hợp tác xã chuyên về sản xuất và cung ứng trái cây trong các tháng đầu năm 2024 đã cung ứng thị trường 3.500 tấn trái cây, chủ yếu các loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng… Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Cẩm Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) Phạm Văn Nuôi cho biết, không chỉ cung ứng trái cây cho thị trường, Hợp tác xã còn liên kết nông dân xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho hàng nghìn héc ta sầu riêng của xã Cẩm Sơn. Đây là cơ sở để trái sầu riêng Tiền Giang trong đó có xã Cẩm Sơn được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú cho biết, trong thời gian tới, nhằm giúp các hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản nâng cao hiệu quả hoạt động, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò hợp tác xã kiểu mới trong các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.

Tỉnh triển khai đồng bộ Chương trình hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025, có các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giúp nâng cao năng lực chế biến, bảo quản sản phẩm, đảm bảo hạ tầng logistics đồng bộ trong vùng sản xuất của các hợp tác xã cũng như xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường.

Đồng thời, tích cực hỗ trợ hợp tác xã đào tạo nghề nông nghiệp - nông thôn, sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, áp dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…, cũng như nhân rộng những mô hình hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị hiệu quả, giải quyết đầu vào và đầu ra cho nông sản hàng hóa, ổn định và nâng cao mức sống cho các hộ thành viên.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm