Ứng dụng chuyển đổi số và liên kết chuỗi phát triển sản phẩm OCOP

Ngày 19/7, tại thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Hội làm vườn Việt Nam tổ chức Diễn đàn về Giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực VAC ở miền Bắc. Dự diễn đàn có 200 đại biểu đến từ các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội làm vườn 5 tỉnh, thành phố phía Bắc.

LeQuocDoanh.jpg
Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc. Ảnh: baothanhhoa.vn

Trong khuôn khổ diễn đàn các đại biểu đã tập trung chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; thảo luận, tư vấn các giải pháp nhằm thúc đẩy 3 nội dung có quan hệ tương hỗ lẫn nhau và có vai trò quan trọng hiện nay.

Đó là hiện trạng, định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm OCOP ở Việt Nam; chuyển đổi số hướng đến nông nghiệp xanh và phát triển bền vững; hiện trạng và định hướng các chính sách nổi bật của địa phương nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi và chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh; giải pháp thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tích hợp đa gia trị và nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của lĩnh vực kinh tế VAC; chuyển đổi số trong nông nghiệp: thực trạng và giải pháp…

Cùng với đó, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Những khó khăn vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị tại cơ sở. Qua đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các nội dung, biện pháp để hỗ trợ, khắc phục.

Tham luận về giải pháp thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tích hợp đa giá trị và nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của lĩnh vực kinh tế VAC của PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Hội Làm vườn Việt Nam đã nêu ra những khó khăn về nguồn vốn đầu tư; chính sách quy hoạch tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn; khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, có các giải pháp về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp về truyền thông, hợp tác quốc tế…

Phát biểu tại diễn đàn, TS Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình đô thị hoá và biến đổi khí hậụ, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường…. đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vừa là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Đồng thời là giải pháp có tính quyết định để tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

Nhận thức rõ những vấn đề này Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp đã ban hành, hoàn thiện các chủ trương, luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ thực sự là "quốc sách hàng đầu" trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các chủ trương, chính sách đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm đặc biệt.

Trong khuôn khổ các hoạt động của diễn đàn, các đại biểu đã đi tham quan các mô hình trại tổng hợp hữu cơ trên địa bàn hai huyện Đông Sơn và Quảng Xương…

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm