Bình Phước có quỹ đất nông nghiệp dồi dào với gần 425.000 ha để phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, trong đó, cây cao su (chiếm 26%) cây điều (chiếm 50,6%) và cây hồ tiêu (chiếm 10,7%) diện tích cả nước. Lĩnh vực chăn nuôi đã thu hút được nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn với khoảng 480 trang trại (tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 66%). Do vậy, việc liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp đang được địa phương đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo điều kiện cho nhiều nông dân cải thiện thu nhập, hướng tới sản xuất nông nghiệp mang tính ổn định, bền vững.
Nhiều dư địa phát triển
Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) – Bình Phước vừa qua, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cũng khẳng định, Bình Phước có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp trong nông nghiệp. Sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao là thế mạnh của tỉnh như: sầu riêng, ổi ruột đỏ, bưởi da xanh, măng cụt, bơ, mít, yến sào, dưa lưới... Hầu hết, các sản phẩm đều đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí, chứng nhận chất lượng OCOP (mỗi xã một sản phẩm), xây dựng mô hình canh tác VietGAP, GlobalGAP, hệ thống mã số vùng sản xuất.
Theo ông Phạm Thụy Luân, Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, phê duyệt danh mục dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến, gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Dự án phát triển một số vùng trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn một số huyện, thị xã; Phát triển cụm ngành điều, cụm ngành chế biến gỗ, cao su, chế biến trái cây... Hình thành 5 vùng cây ăn trái với khoảng 5.000 ha, vùng trồng tiêu với diện tích 3.000 ha, diện tích đất cho chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao khoảng 9.500 ha...
Cùng đó, đến năm 2030, Bình Phước sẽ có 5 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Đồng Xoài 68ha với tổng mức đầu tư 264 tỷ đồng; Thanh Lễ 260 ha, mức đầu tư 1.402 tỷ đồng; Đồng Phú 496 ha khoảng 259 tỷ đồng; Hải Vương 650 ha khoảng 2.500 tỷ đồng và khu trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha khoảng 179 tỷ đồng.
Nhiều sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý “Hạt Điều Bình Phước”, Nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”, Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước”, Nhãn hiệu tập thể “Gả thả vườn Thanh Lương” và “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương”…
Địa phương còn có 157 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP hạng 3 - 5 sao; trong đó, có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao với gần 80 chủ thể đăng ký. Các sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú chủng loại, gồm 127 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, như: Sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, mít ruột đỏ, cam, ổi, mít sấy thăng hoa, hạt điều rang muối, hạt điều tẩm gia vị, chả lụa, bột dế, hạt tiêu... 30 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống có cồn như: rượu chuối hột, rượu sâm bố chính, rượu đông trùng hạ thảo; đồ uống không cồn như: cà phê nguyên chất, bột ngũ cốc dinh dưỡng, yến sào tinh chế, mật ong, nước uống đóng chai. 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm: mũ, giày, dép (nón) đan len, hoa đan len; hoa khô ngũ sắc để bàn, tranh gỗ nghệ thuật…
Liên kết trong sản xuất
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước Nguyễn Thanh Phương cho biết, địa phương hiện có 248 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó 213 hợp tác xã nông nghiệp và 35 hợp tác xã phi nông nghiệp. Đến năm 2025, Bình Phước phấn đấu có ít nhất 30% (năm 2030 là 50%) số hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi với 3 ngành trọng điểm là chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Chăn nuôi (heo, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ tổng thể như quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ…
Trong chuỗi ngành hàng cây công nghiệp, đối với cây cao su, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đa giá trị sản phẩm từ mủ cao su đến gỗ, mủ cao su thành phẩm, các loại cây trồng, vật nuôi dưới tán cao su có giá trị gia tăng cao và cung ứng dịch vụ, sản phẩm chế biến sâu như: Nệm, gối, găng tay, lốp xe ô tô, lốp xe máy, các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp cung cấp thị trường trong và ngoài nước, ưu tiên xuất khẩu.
Đối với cây điều, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với sự hình thành và phát triển các nhà máy chế biến điều nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng cao, kết hợp với phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản dưới tán điều. Đồng thời, đẩy mạnh, phát triển thương hiệu “Hạt Điều Bình Phước” theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản phẩm; giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.
Về cây hồ tiêu, phát triển diện tích hồ tiêu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Rainforest Alliance, hữu cơ, đa dạng sinh học... theo liên kết chuỗi, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Trong chuỗi ngành hàng cây ăn quả, Bình Phước tập trung sản xuất theo hướng sạch, an toàn, đa dạng sinh học, bền vững gần với sơ chế, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, nhận diện đặc sản địa phương, truy xuất nguồn gốc và thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Phát triển chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường trên cơ sở hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quân theo nhóm ngành hàng, địa phương. Địa phương hỗ trợ quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp thông tin về thị trường, liên kết và kỹ thuật sản xuất, bao hiểm nông nghiệp.
Chuỗi ngành hàng chăn nuôi (lợn, gà), tỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tăng tính tập trung, hạn chế tình trạng phân tán nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng giải pháp kỹ thuật kiểm soát và hạn chế tối đa ô nhiễm do trang trại chăn nuôi quy mô lớn gây ra; xây dựng chuỗi giá trị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh tế tuần hoàn theo hướng sinh thái xanh, bền vững gắn với chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ). Ưu tiên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Mặt khác, cũng theo ông Phạm Thuỵ Luân, Bình Phước còn cơ cấu lại hình thức liên kết, hợp tác sản xuất. Cụ thể, đối với liên kết ngang, tỉnh phát triển đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu với quy mô đủ lớn gắn với nhu cầu, tín hiệu thị trường; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã; giữa các doanh nghiệp; liên kết vùng sản xuất.
Đối với liên kết dọc, địa phương tập trung xây dựng, kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức đại diện nông dân liên kết theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi sản xuất theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn, an toàn, đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường, đa giá trị và bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, thị trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cũng nhấn mạnh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2030, Bình Phước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp. Cụ thể, xây dựng các mô hình chuỗi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Đồng thời, tỉnh nghiên cứu đẩy mạnh nông nghiệp đô thị; nông nghiệp du lịch, phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cung cấp sản phẩm sạch phục vụ trong và ngoài đô thị…
Đậu Tất Thành – Nhật Bình