Xử lý rác thải tại Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2: Còn nhiều bất cập

Xử lý rác thải tại Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2: Còn nhiều bất cập
Bài 2: Còn nhiều bất cập Dồn rác cho một đơn vị xử lý    Hiện việc “dồn rác” cho Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) đã dấy lên mối lo ngại về khả năng “vỡ trận” một khi Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước xảy ra sự cố cháy nổ, sụt lún.Tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, Công ty VWS chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2007, với công suất xử lý 3.000 tấn/ngày. Từ năm 2014, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương đóng bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi), đưa vào hoạt động dự phòng và dồn toàn bộ 2.000 tấn/ngày tại bãi chôn lấp này về cho Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước. Điều đáng nói, tại bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ ra kinh phí đầu tư 900 tỷ đồng và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/9/2013, với công suất 2.000 tấn/ngày (thời gian hoạt động 9 năm). Cho đến ngày bị đóng bãi, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố chỉ mới hoạt động chưa được một năm với 300 lao động.    
Ảnh minh họa. Ảnh: VNexpress.
Ảnh minh họa. Ảnh: VNexpress.
Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã kiến nghị UBND thành phố cho tiếp tục bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp hoạt động với công suất 2.000 tấn/ngày. Bởi nếu đóng bãi chôn lấp rác này, thành phố sẽ phải chi hơn 1.000 tỷ đồng (bao gồm 600 tỷ đồng đã đầu tư dang dở không sử dụng được và 400 tỷ đồng dự kiến bồi thường) cho chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố), chưa kể mỗi năm tốn thêm hơn 20 tỷ đồng chi phí bảo dưỡng, duy tu khi bãi chuyển qua hoạt động dự phòng.     Từ cuối tháng 11/2014 đến tháng 3/2015, mỗi ngày, 2.000 tấn rác từ bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp đã chuyển về xử lý tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, qua đó nâng công suất cho Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam từ 3.000 tấn/ngày lên 5.000 tấn/ngày (chiếm hơn 2/3 lượng chất thải rắn của toàn thành phố). Bản Kết luận số 03/KL-TTTP ngày 20/1/2016 của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Việc không được tiếp tục đầu tư hoàn thiện bãi chôn lấp số 3 không thể đáp ứng khả năng làm bãi dự phòng, gây lãng phí ngân sách hàng trăm tỷ đồng, không đảm bảo an ninh chất thải trong trường hợp Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước xảy ra sự cố (lún, sụt, cháy nổ, đình công…), có khả năng xảy ra hiện tượng độc quyền trong lĩnh vực này.     Chênh lệch giá xử lý rác   Một vấn đề nhức nhối không kém là về đơn giá xử lý rác thải. Theo công văn ngày 1/8/2005 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đơn giá xử lý rác tại khu Phước Hiệp là 13,92 USD/tấn, tại dự án của Công ty Cổ phần VietStar là 5 USD/tấn. Tuy nhiên, trong công văn 8631/STC ngày 31/9/2009, ông Phạm Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, giá xử lý rác thải tại bãi chôn lấp Gò Cát (quận Tân Bình) là 9,8 USD/tấn, tại bãi chôn lấp số 1 Phước Hiệp (huyện Củ Chi) là 11,82 USD/tấn, bãi chôn lấp số 2 Phước Hiệp là 11,38 USD/tấn.     Tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, giá thỏa thuận giữa Công ty VWS với thành phố là 16,4 USD và được tăng không quá 3%/năm. Sau 10 năm hoạt động (2007 – 2017), đơn giá xử lý rác của VWS đã không dừng lại ở con số 16,4 USD/tấn mà tăng lên liên tục. Cụ thể, từ ngày 1/1/2013 – 31/10/2013, đơn giá xử lý rác là 19,009 USD/tấn, từ 1/11/2013 – 31/10/2014 tăng lên 19,579 USD/tấn, từ ngày 31/10/2014 – 31/12/2014 điều chỉnh lên 20,166 USD/tấn và hiện nay đã vượt mốc 21 USD/tấn.     Về đơn giá 16,4 USD này, tại công văn số 3318A/TC-ĐTSC ngày 13/5/2005, Sở Tài chính đã tính toán xuống còn 10,25 USD/tấn. Có chung quan điểm, trong văn bản số 4665/BKH/ĐT&GSĐT ngày 12/7/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đơn giá 16,4 USD/tấn của Công ty VWS là quá cao so với dự án 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Lema, Hoa Kỳ được cấp phép vào năm 2005, khi phí xử lý rác của Tập đoàn này (tỷ lệ chôn lấp chỉ ở mức 20%) chỉ ở mức 5 USD/tấn.     Theo kết luận số 03/KL-TTTP ngày 20/1/2016 của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, giá thanh toán xử lý chất thải của Công ty Cổ phần VietStar, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa dựa trên cơ sở chi phí xử lý thực tế đã được kiểm toán, đối với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị dựa trên đơn giá do Nhà nước quy định. Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam dựa trên cơ sở tổng chi phí đầu tư. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ sở để xác định tổng mức đầu tư thực tế của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam. Trong khi ba công ty nói trên tăng giá dựa trên chi phí thực tế phát sinh, thay đổi mức lương công nhân, chi phí năng lượng thay đổi, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam lại tăng giá khi mà chỉ số CPI tăng hoặc giữ nguyên nhưng vẫn tăng giá mỗi năm không quá 3%.     “Cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cùng công nghệ chôn lấp nhưng Đa Phước và Phước Hiệp lại xây dựng giá và điều chỉnh giá khác nhau; trong đó, giá xử lý rác của Công ty VWS tại Đa Phước cao hơn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị lên đến 67.384 đồng/tấn”, bản Kết luận 03 của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ.    Trao đổi với phóng viên, Giáo sư. Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giá xử lý hiện nay của Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước là quá cao trong khi phần lớn sử dụng phương pháp chôn lấp, hiệu quả về môi trường chưa được đảm bảo. Mặt khác, trong quá trình xử lý chôn lấp, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi ở khu vực ở Quận 7, Quận 8. Về lâu dài, nếu tiếp tục xử lý bằng chôn lấp, đất chôn lấp sẽ hết, ô nhiễm môi trường sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, cần phải thanh tra và cân đối lại đơn giá xử lý rác hiện nay tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước; đồng thời, cần mở rộng đấu thầu xử lý rác và chuyển sang những công nghệ xử lý hiện đại như đốt, làm phân compost, tái chế, đảm bảo vệ sinh môi trường./.
Bài cuối: Cấp thiết thay đổi công nghệ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm