Xác định sản phẩm đặc trưng có lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch y tế

Xác định sản phẩm đặc trưng có lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch y tế
Để xây dựng, khai thác hiệu quả các sản phẩm thuộc loại hình du lịch này đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị thuộc ngành du lịch và y tế, trong đó việc xác định, hình thành các sản phẩm du lịch y tế đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh là yếu tố rất cần thiết.

Phù hợp xu hướng 
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch thành phố xác định các sản phẩm thuộc loại hình du lịch y tế là một trong những sản phẩm nhiều tiềm năng, hứa hẹn đáp ứng yêu cầu của nhiều phân khúc du khách cả trong nước và quốc tế đến thành phố với mục đích du lịch kết hợp chăm sóc, phục hồi sức khỏe hoặc điều trị bệnh…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nêu dẫn chứng, hiện nay, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch đang tăng dần hàng năm với doanh thu khoảng 2 tỷ đô la Mỹ. Riêng trong năm 2018 đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam; trong đó lượng khách đến Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 40%.
Du khách quốc tế tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: Phúc Thanh
Du khách quốc tế tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: Phúc Thanh
 
Không chỉ ở Việt Nam, theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, trong các xu hướng du lịch phát triển trong tương lai, bên cạnh các xu hướng du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh và du lịch sáng tạo là du lịch y tế. Còn theo thống kê của Viện Sức khỏe toàn cầu, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2017, gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của toàn ngành du lịch.

Dự báo, mức tăng trưởng của nhóm ngành này sẽ tiếp tục gia tăng nhanh hơn với mức khoảng 7,5% vào năm 2022. Do đó có thể nói loại hình du lịch y tế, chăm sóc, phục hồi sức khỏe phù hợp với rất nhiều đối tượng khách hàng trong cuộc sống hiện đại, giúp du khách giải tỏa áp lực công việc, thư giãn, nâng cao chất lượng cuộc sống hoặc điều trị bệnh…
 
Đề cập về khả năng cung ứng các dịch vụ y tế chất lượng cao góp phần phát triển du lịch y tế trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ đủ các điều kiện để phát triển du lịch y tế phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Hiện nay, Thành phố có hệ thống cơ sở y tế rộng khắp, nhiều bệnh viện tuyến cuối có đội ngũ y, bác sỹ có tay nghề cao; các kỹ thuật ghép tạng, phẫu thuật bằng robot cũng đang phát triển mạnh…
 
Chị Nguyễn Kim Nga, một Việt kiều sinh sống ở Hà Lan cho hay, vài năm trở lại đây, chị thường kết hợp những đợt trở về Việt Nam thăm người thân, đưa con đi tham quan các di tích và đặt lịch bác sĩ Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện một số dịch vụ như tẩy trắng răng, trám răng thẩm mỹ, điều trị một số bệnh liên quan đến răng miệng… Trước mỗi chuyến trở về Việt Nam, chị đặt lịch và được các bác sĩ bố trí thời gian khá hợp lý, chính xác, nhanh chóng.

Do đó những ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị có thể kết hợp vừa đến khám, điều trị và đi tham quan các di tích, mua sắm tại một số trung tâm thương mại khá tiện lợi. Không những thế, chị vẫn thể tính toán thời gian, lịch trình để kết hợp đi một số tour ngắn đến các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Theo chị Kim Nga, giá các dịch vụ khám chữa  bệnh, điều trị ở Việt Nam tương đối "mềm” so với ở nhiều quốc gia khác mà chất lượng thực hiện các dịch vụ không hề thua kém. Ví dụ giá một mão răng sứ (được sử dụng trong phục hình nha khoa thẩm mỹ) ở nước ngoài có khi khách được báo giá hơn 1.000 đô la Mỹ thì ở Việt Nam giá chỉ bằng một nửa.
 
Xác định sản phẩm đặc trưng 
Nhất trí với nhận định du lịch y tế, du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe là một loại hình có sức thu hút đối với rất nhiều du khách, nhất du khách quốc tế khi đến Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nhiều chuyên gia về dịch vụ lữ hành cho rằng, phát triển du lịch y tế không dễ, để thành công đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp phối hợp giữa các đơn vị liên quan một cách đồng bộ, tin cậy. Các sản phẩm thuộc loại hình du lịch này cũng không nên dàn trải, cần tập trung vào những sản phẩm đặc trưng có chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh mà các đơn vị y tế có khả năng đáp ứng một cách tốt nhất.
 
Quan tâm đến việc kết nối, xây dựng và khai thác các sản phẩm từ loại hình du lịch y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist đề xuất, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch cần xác định sản phẩm du lịch đặc trưng về y tế của Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên khả năng cung ứng của các đơn vị y tế, có lợi thế cạnh tranh cũng như sự khác biệt đối với các địa phương khác.

Trên cơ sở đó, các cơ sở y tế chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng mình có thể cung ứng. Các doanh nghiệp du lịch tìm giải pháp kết nối các điểm du lịch tiện lợi giúp du khách có thể di chuyển dễ dàng cũng như tăng tính hấp dẫn của mỗi chương trình tour.
 
Theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist, hiện doanh nghiệp này đã triển khai khá đa dạng các chương trình tour trong nước có gắn kết với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe kèm theo các khóa tập thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, tắm khoáng nóng, cai thuốc lá, giảm cân…

Đặc biệt, Saigontourist phối hợp với Công ty du lịch Nha khoa Việt Nam xây dựng và triển khai chào bán các gói sản phẩm nha khoa kết hợp du lịch chuyên biệt và trọn gói (vé máy bay khứ hồi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, đưa đón) phù hợp với khách du lịch như kiểm tra tổng quát, tẩy trắng răng, trám răng, đính đá, thiết kế nụ cười…
 
Chia sẻ về việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng thuộc lĩnh vực y học cổ truyền, Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị định hướng tham gia phát triển du lịch y tế trên nền tảng cơ sở vật chất, nhân sự và kinh nghiệm của đội ngũ y bác sỹ. Viện xác định tập trung cung cấp, giới thiệu đến khách du lịch các sản phẩm y tế là thế mạnh của y học cổ truyền Việt Nam theo 3 hướng là du lịch học thuật, du lịch sức khỏe và du lịch chữa bệnh.

Trong đó, hướng du lịch học thuật có các sản phẩm như hướng dẫn một số kiến thức, kỹ thuật giác hơi, day ấn huyệt, tác động cột sống, dưỡng sinh…; hướng du lịch sức khỏe có các sản phẩm phục hồi thể lực cho du khách bị mệt mỏi sau khi xuống sân bay hay trước khi ra sân bay kết thúc chuyến du lịch bằng cách mát - xa, ấn huyệt, giác hơi; hướng du lịch điều trị có các sản phẩm điều trị bệnh hen suyễn, thoát vị, chứng mất ngủ, thoái hóa khớp, loãng xương.
 
Liên quan đến các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch y tế đặc trưng, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành nhấn mạnh giải pháp phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị y tế để xây dựng, giới thiệu các gói sản phẩm y tế phù hợp, hấp dẫn các đối tượng du khách.

Bên cạnh quan tâm chất lượng dịch vụ, chi phí thì thời gian điều trị cũng là một yếu tố cần được các đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch y tế coi trọng, tính toán, cân nhắc khi giới thiệu tới du khách vì khách du lịch là người không cư trú ngay ở địa phương có điểm đến tham quan và điều trị. Do đó đối với mỗi gói sản phẩm, yếu tố thời gian, lịch trình, các điểm đến phù hợp luôn đòi hỏi phải được các đơn vị liên quan thiết kế một cách tối ưu./.
Thanh Trà
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm