Vùng “đất lửa” Quảng Trị viết tiếp bài ca anh hùng

Quảng Trị được gọi là vùng “đất lửa” bởi mỗi tấc đất, dòng sông, mỗi địa danh ở địa phương này đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom với khát vọng sống, khát vọng hòa bình và khát vọng vươn lên của dân tộc. Tròn 79 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, vùng “đất lửa” đã vươn lên mạnh mẽ và viết tiếp bài ca anh hùng khi đang hiện thực hóa khát vọng phát triển, gìn giữ và tôn vinh giá trị hòa bình.

Nông thôn mới trên vùng quê cách mạng

Huyện Triệu Phong là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng ở tỉnh Quảng Trị. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, làng Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong là cơ sở hoạt động và đầu mối liên lạc của Đảng ở Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Trị. Tại đây đêm 22 rạng sáng 23/8/1945, Lệnh khởi nghĩa ở tỉnh Quảng Trị được phát ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đông đảo quần chúng nhân dân đã tập hợp biểu tình, rồi kéo lên thị xã Quảng Trị hô vang các khẩu hiệu cách mạng và giành chính quyền. Triệu Phong còn là nơi sinh ra nhiều người con ưu tú của dân tộc, mà tiêu biểu nhất là Tổng Bí thư Lê Duẩn.

vna_potal_50_nam_giai_phong_tinh_quang_tri_quang_tri_khai_thac_hieu_qua_tiem_nang_kinh_te_bien_stand.jpg
Tuyến đường ven biển chạy qua huyện Triệu Phong (Quảng Trị) được nâng cấp, mở rộng tạo thuận lợi cho giao thương. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Đón Tết Độc lập năm nay, niềm vui của người dân địa phương này như được nhân lên, khi Triệu Phong vừa đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Khắp mọi nẻo đường, trước nhà dân và công sở đều rợp bóng cờ đỏ sao vàng mừng Quốc khánh. Những năm qua, đời sống người dân ở Triệu Phong không ngừng được nâng cao. Năm 2011 thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ mới 10,2 triệu đồng/người/năm, nay đã đạt trên 68 triệu đồng/người/năm. Trên những cánh đồng lúa chín vàng ươm, người dân phấn khởi khẩn trương thu hoạch lúa cho xong để đón Tết Độc lập. Nhanh tay phơi những bao tải lúa mới thu hoạch về bà Nguyễn Thị Tuyết, 53 tuổi, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong chia sẻ, 30 sào lúa (mỗi sào 500m2) vụ này được mùa được giá, gia đình thu lãi hàng chục triệu đồng nên rất phấn khởi.

vna_potal_lam_giau_tu_mo_hinh_san_xuat_nong_nghiep_huu_co_tai_quang_tri_7399692.jpg
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại Dfarm Quảng Trị (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ảnh: TTXVN phát

Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyện Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải ở địa phương này là biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng suốt 21 năm (1954 – 1975). Ở nơi đầu cầu giới tuyến, Vĩnh Linh vẫn vững vàng giữ cho lá cờ Tổ quốc luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Kỳ đài Hiền Lương, giữ cho mạch máu Bắc - Nam ngày đêm thông suốt, nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn anh hùng. Trong chiến tranh Vĩnh Linh được ca ngợi là “lũy thép”, còn trong công cuộc đổi mới là “lũy hoa”. Vĩnh Linh cũng vừa đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Linh đã đạt trên 59 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%.

Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang, truyền thống cách mạng là cội nguồn sức mạnh để Vĩnh Linh tiến những bước dài trong lịch sử xây dựng và phát triển quê hương, viết tiếp bài ca anh hùng biến "lũy thép" xưa thành "lũy hoa" trong thời kỳ đổi mới, hoà bình và phát triển.

Khát vọng vươn lên và tôn vinh giá trị của hòa bình

Sau chiến tranh, 95% làng mạc ở Quảng Trị bị tàn phá hủy diệt, trên 80% tổng diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn. Sau 35 năm tách tỉnh từ năm 1989 (Quảng Trị tách ra từ Bình Trị Thiên) đến nay, kinh tế của Quảng Trị liên tục tăng trưởng, GRDP bình quân đạt 7,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 10 lần (nay là 71 triệu đồng/người/năm), tổng thu ngân sách tăng trên 300 lần so với năm 1989 (nay là gần 4.000 tỷ đồng).

vna_potal_quang_tri_khoi_cong_xay_dung_khu_du_lich_sinh_thai_ru_linh_7549127.jpg
Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh được triển khai trên diện tích hơn 137ha với tổng số vốn đầu tư 104,4 tỷ đồng. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông để tăng kết nối vùng và liên vùng như: Quốc lộ 15D, cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy. Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây , xây dựng Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) - Densavan (Savannakhet, Lào). Hai khu kinh tế và ba khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

vna_potal_quang_tri_day_nhanh_tien_do_xay_dung_cau_thach_han_1_7529104.jpg
Các đơn vị thi công cầu Thạch Hãn 1 bắc qua sông Thạch Hãn kết nối thành phố Đông Hà và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Thu hút đầu tư vào năng lượng sạch gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí là ưu tiên hàng đầu của Quảng Trị. Vùng miền núi phía Tây tỉnh đang dần trở thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc miền Trung, khi đã có 20 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất trên 700MW. Vùng ven biển phía Đông tỉnh đang triển khai các dự án điện khí, điện mặt trời.

Quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là tỉnh công nghiệp, dịch vụ. Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp, dịch vụ.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu quy hoạch, tỉnh thực hiện các giải pháp trọng tâm gồm: Khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai quy hoạch; thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn lực, đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại, thông minh, ưu tiên nguồn lực đầu tư và các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trên địa bàn Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 và Trường Sơn, là nơi an nghỉ của gần 60.000 liệt sỹ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quảng Trị cũng được xem là bảo tàng chứng tích chiến tranh của Việt Nam khi có gần 500 di tích lịch sử cách mạng; trong đó có bốn di tích được xếp hạng đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Điều này cho thấy vùng “đất lửa” là nơi chứng kiến khát vọng sống, khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Do đó, ngoài phát triển kinh tế tỉnh còn tập trung gìn giữ, tôn vinh giá trị của hòa bình. Quảng Trị phát triển du lịch dựa trên thương hiệu: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình” với với sản phẩm du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa. Tháng 7 và 8/2024, lần đầu tiên tỉnh tổ chức Lễ hội Vì hòa bình với thông điệp: “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”. Không gian chính của lễ hội diễn ra ở Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia với nhiều hoạt động như thả hoa đăng, thắp nến tri ân, khởi tiếng chuông khát vọng hòa bình.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ, đến với Quảng Trị du khách cảm nhận hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột chiến tranh mà còn là sự tôn trọng, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia dân tộc; là tình yêu giữa con người với con người, giữa cá nhân và cộng đồng và giữa các cộng đồng.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm