Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tên gọi “song thằn” (hay “song thần”) bắt nguồn từ “song thằng” (nghĩa là hai sợi dây song song). Ban đầu, bún có tên gọi “song thằng” do khi làm bún, người ta kéo một lúc hai sợi bún song song; về sau, bị đọc chệch thành “song thằn”.
Quê hương của bún song thằn là làng An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 34 km về hướng tây bắc, một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời và nổi tiếng nhất Bình Định. Ca dao xứ Nẫu có câu: “Nón ngựa Gò Găng/ Bún song thằn An Thái”.
Làng bún An Thái. |
Khác với các loại bún khác chủ yếu được làm từ bột gạo, bún song thằn lại được làm từ bột đậu, trong đó, bún làm từ bột đậu xanh có giá trị dinh dưỡng cao nhất và cũng mang hương vị đặc biệt nhất.
Để làm ra bún song thằn, thợ làm bún phải trải qua nhiều công đoạn rất phức tạp và vất vả. Đậu làm bún phải lựa những hạt đẹp nhất, phơi nắng cho thật khô rồi ngâm nước lạnh, sau đó đem giã vào ban đêm (không giã ban ngày vì trời nắng nóng sẽ làm bột hỏng ngay). Bột được giã xong phải mang gạn lọc để lấy tinh bột đậu. Tinh bột phải phơi thật khô trước khi đem nhào thành bánh bún để ép bún. Thông thường, 5 kg đậu xanh sau nhiều công đoạn giã, đãi, lắng lọc mới được 1 kg tinh bột để làm ra chưa đầy 1 kg bún khô. Vất vả, công phu và chắt chiu là thế nên bún song thằn có hương vị thơm ngon và giá trị rất cao. Trước đây, người dân An Thái làm bún song thằn chủ yếu làm quà biếu. Hiện nay, được sự đầu tư của địa phương, bún song thằn đã được sản xuất tập trung và trở thành một trong những đặc sản ngon nhất của Bình Định vươn ra cả thị trường nước ngoài.
Bún song thằn dùng chế biến món nào cũng ngon. Bún xào với tôm, thịt rất đậm đà, sợi bún dai và rời, không bị vón cục như bún gạo. Bún song thằn nấu canh với tôm, cua hoặc thịt nạc thì ngon tuyệt. Sợi bún trong, dai và thơm ngát hương đậu xanh. Nước canh bún trong, ngọt và thơm lừng. Bún song thằn bổ và mát, hương thơm lạ kỳ, thưởng thức một lần chắc chắn sẽ nhớ mãi.
Theo baodaklak.vn