Vận dụng tốt cơ chế để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững

Vận dụng tốt cơ chế để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững
Đột phá về kinh tế
Được Trung ương trao cho cơ chế đặc thù, với nhiều nội dung lớn như: quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền, chủ động tăng thu nhập cho cán bộ… Điều này không chỉ tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cơ hội lớn để thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Là một đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước nên rất cần cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Thông qua cơ chế đặc thù này, thành phố sẽ rất thuận lợi huy động vốn, đầu tư, sử dụng con người, trả lương và nhiều cơ chế khác.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
  
Theo các chuyên gia, có thể khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là trung tâm kinh tế lớn nhất, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Điều này thể hiện ở con số tăng trưởng năm 2017 của thành phố là 8,25% (năm 2016 tăng 8,05%). Kết quả này giúp giữ vững tỷ trọng đóng góp kinh tế của thành phố đối với cả nước là 22%.

Thứ hai là thu ngân sách, những năm qua, trung bình mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp được 27% - 28% ngân sách cả nước. Việc này rất có ý nghĩa đối với sự phát triển chung của cả nước.
  
Thứ ba là thu hút đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm trở về trước, thu hút đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm, nhưng năm 2017, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được 6,3 tỷ USD, tăng hơn 85% so với năm 2016 (3,46 tỷ USD).

Kết quả này rất đáng khích lệ, là cơ sở để trong năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện bảy chương trình đột phá của thành phố gắn với Nghị quyết số 54 của Quốc hội xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, định hướng hình thành vùng trung tâm đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có tương tác tốt hơn về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, đô thị hiện đại, trung tâm tài chính.
  
Thống kê của Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong điều kiện không có các cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố sẽ không có đủ nguồn lực gia tăng để giải quyết các thách thức lớn; trong đó, có kết cấu hạ tầng, vốn đã yếu kém và ngày càng trở nên quá tải, bất cập, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế lẫn cải thiện đời sống người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước ngày càng nghiêm trọng.
  
Nếu không có cơ chế đặc thù, tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 là 9,26%/năm sẽ giảm còn 7,55% trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục giảm tốc, còn 6,72% trong giai đoạn 2021 – 2025, và chỉ có thể đạt mức tăng 6,36% trong giai đoạn 2026 - 2030.
  
Tuy nhiên, với việc ra đời của cơ chế đặc thù sẽ có thêm nguồn lực mới để tăng trưởng nhanh hơn đáng kể, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 là 8,13%/năm, đến 2026 - 2030 là 8,67%/năm.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp cho mức tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) cả nước từ 0,3% trong thời kỳ 2021 - 2025 và góp đến 0,5%/năm từ 2026 - 2030, tức GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Thành phố Hồ Chí Minh có thể chiếm tỷ trọng 23,7% GDP cả nước vào năm 2025 và chiếm 25,6% vào năm 2030.
 
Đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp
Cơ chế đặc thù là cơ hội cho địa phương phát triển, nhưng cơ hội luôn đi cùng thách thức. Do đó các chuyên gia cho rằng, cần thận trọng trong từng bước đi để tránh những kết quả không như kỳ vọng. Chẳng hạn như, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định trả mức thu nhập phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc; có chế độ thu hút nhân tài. Đây là chính sách tốt, nhưng có chọn được “hạt giống” xứng đáng để “trả tiền” hay không là một chuyện khác... Điều này cũng giống như việc những người tiêu dùng thông thái ra chợ mua hàng giá đắt nhưng sản phẩm kém chất lượng.
  
Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, cơ chế đặc thù đem lại nhiều thuận lợi, đặc biệt là về quy hoạch, sử dụng đất, tổ chức bộ máy, huy động tài chính và thành phố sẽ rộng tay hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội. Nhưng, nếu mục tiêu chiến lược không rõ ràng thì không chỉ không đưa ra được giải pháp đúng mà còn gây thêm những khó khăn, vướng mắc.
Kênh Nhiêu Lôc – Thị Nghè có chiều dài khoảng 8,7 km chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh – công trình điển hình của Thành phố. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Kênh Nhiêu Lôc – Thị Nghè có chiều dài khoảng 8,7 km chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh – công trình điển hình của Thành phố. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
  
Cụ thể như theo phân tích của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, cần cẩn thận để tránh biến Thành phố Hồ Chí Minh thành “vùng đồi”. Vì khi thành phố được trao quyền tự chủ trong việc quyết định mức thuế, kỳ vọng là khi tăng thuế suất thì thành phố sẽ có thêm nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế mà thành phố được phép điều chỉnh thuế suất “có chân” nên nếu mức thuế cao hơn các địa phương khác thì khả năng các doanh nghiệp hay các hoạt động này sẽ chảy khỏi “vùng đồi”.
  
Thêm vào đó dịch vụ (một số dạng thành phố được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt) là một ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thành phố và xăng dầu (đối tượng thành phố được tăng thuế môi trường) chiếm một phần đáng kể trong chi phí kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.

Do vậy, khi tăng thuế thì gánh nặng chi phí kinh doanh sẽ tăng cao hơn và đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng. Trái lại, với vị trí đầu tàu của mình, rất khó để thành phố có thể xem xét giảm thuế suất thấp hơn các địa phương khác nhằm hút các hoạt động kinh doanh từ nơi khác.
  
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên Nhóm Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, cơ chế đặc thù không phải là chính sách đặc biệt, nhưng sẽ giúp thành phố làm nhanh hơn một số việc kiến tạo phát triển và quản trị nhà nước. Một số việc trước đây, thay vì phải chờ Trung ương quyết định, thì nay thành phố được quyền tự quyết. Vấn đề là quyền đó được cụ thể hóa như thế nào để người dân thấy được lợi ích?
  
Theo ông Điền, cái người dân mong đợi hiện giờ là cơ hội việc làm, tăng thu nhập, sống trong môi trường văn minh. Chỉ khi doanh nghiệp phát triển, người lao động (người dân) mới có việc làm, thu nhập và văn minh. Doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt trong môi trường có dịch vụ công hỗ trợ, giao thông thuận lợi vận chuyển hàng hóa, chính quyền thông minh.
 
Ngoài ra, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm và mỹ quan đô thị là những vấn nạn trong nhiều năm qua. Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm giải quyết nhưng chưa chuyển biến đáng kể, bởi chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề. Nguồn cơn chung của vấn nạn này là hạ tầng. Cụ thể hơn, hạ tầng công cộng chưa được đầu tư bài bản, quyết liệt và thiếu giải pháp sáng tạo.
  
Các dự án phương tiện giao thông công cộng dưới lòng đất, trên không; các khu sản xuất tập trung; các công trình chống ngập tổng thể… đều đã được quy hoạch nhưng việc triển khai khá chậm.
 
Do đó, dùng cơ chế đặc thù để sáng tạo ra những giải pháp huy động vốn từ xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông. Việc kêu gọi doanh nghiệp đồng hành tham gia có lẽ là giải pháp phù hợp nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, rà soát lại cơ chế đầu tư, từ khâu chuẩn bị đến thực hiện xem có công đoạn nào còn vướng thì sửa đổi, minh bạch hóa…/.
 Việt Âu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm