Trong xu thế hội nhập và phát triển, năm 2019 được TP.HCM xác định là năm đột phá về cải cách hành chính (CCHC). Qua đó, triển khai triệt để, tăng tốc và đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc, cũng như công tác CCHC.Hiện đại hóa nền hành chính công Theo UBND Quận 1, trong 6 tháng đầu năm 2019, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn lên đến trên 1.800 hồ sơ, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả khảo sát ý kiến của người dân và doanh nghiệp đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, cho thấy: Có đến hơn 15.900 lượt ý kiến đánh giá “hài lòng”, đạt tỷ lệ 99,6% so với chỉ tiêu đề ra là 99%.
Hệ thống máy tính tự động phục vụ cho việc tra cứu thông tin, giải đáp thắc mắc của người dân tại UBND quận 12 |
Là một trong những quận điểm về công tác CCHC theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, 100% cán bộ, công chức trên địa bàn Quận 1 đã sử dụng thư điện tử của thành phố để trao đổi thông tin, 100% gửi thư mời họp điện tử và 100% các văn bản trao đổi chính thức giữa UBND Quận với các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới hình thức thư điện tử. Quận 1 đang cung cấp 8 loại dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp tại Trang thông tin điện tử Quận 1 trên các lĩnh vực: Cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cấp phép bán lẻ sản phẩm rượu, cấp phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, cấp phép xây dựng, thông tin quy hoạch, nộp hồ sơ đăng ký báo cáo khai trình sử dụng lao động, hồ sơ tư pháp - hộ tịch, hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Người dân đánh giá mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức bằng máy tính bảng tại UBND quận 12 |
Trong khi đó, từ năm 2016, Quận Bình Thạnh đã đầu tư 2 tỉ đồng để xây dựng hệ thống các phần mềm phục vụ công tác CCHC. Trong đó, có phần mềm ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” nhằm tăng cường phát hiện và xử lý vi phạm trật tự đô thị như: vi phạm về vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng không phép… Bên cạnh đó, ứng dụng "Bình Thạnh trực tuyến" hỗ trợ người dân gửi các phản ánh, đóng góp ý kiến cũng như theo dõi, giám sát kết quả xử lý những phản ánh, góp ý của mình. Các vi phạm được phản ánh trong vòng 5 giây, hình ảnh phản ánh được truyền tải đến cơ quan chức năng và sẽ được xử lý trong khoảng 2 tiếng sau khi tiếp nhận.
Người dân đánh giá mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức bằng máy tính bảng tại UBND quận 12 |
Hơn thế nữa, ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” còn có thêm 3 chức năng: cho phép người dân tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ và đánh giá mức độ hài lòng với công tác giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua ứng dụng này, Quận Bình Thạnh đã tiếp nhận, xử lý hơn 7.300 thông tin, phản ánh của người dân về các vi phạm trong lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng, xả rác…
Người dân tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ qua hệ thống máy tính tự động tại trụ sở UBND quận Bình Thạnh |
Không chỉ các quận, huyện mà các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM hiện cũng mở rộng áp dụng mô hình “một cửa” điện tử, như thí điểm liên thông điện tử trong cấp phép xây dựng tại Sở xây dựng TP.HCM; mô hình liên thông giữa Sở tư pháp, Công an TP.HCM, Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53, Bộ Công an) để cấp phiếu lý lịch tư pháp...Tăng tốc, triệt để và đồng bộ trong CCHC Theo Sở Nội vụ TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 10.000 hồ sơ được giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của thành phố, đạt tỷ lệ gần 99,7%. Đây là tỷ lệ và con số biết nói so khi so với kết quả của năm 2018, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn chỉ đạt hơn 90%, tổng số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 mà thành phố cung cấp chỉ đạt gần 770 dịch vụ.
Người dân đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công bằng máy tính bảng tại trụ sở UBND quận Bình Thạnh |
Tính đến thời điểm này, TP.HCM đang cung cấp trên 800 dịch vụ công trực tuyến; trong đó, hơn 30% hồ sơ thủ tục hành chính, hơn 80% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố cũng đạt trên 82%. Đặc biệt, riêng việc thay đổi thư mời họp giấy bằng E-mail, tin nhắn SMS đã giúp Văn phòng UBND TP.HCM tiết kiệm được 15 tỷ đồng trong 2 năm 2017 và 2018 vừa qua.
Hệ thống máy tính phục vụ người dân lấy số tự động chờ giải quyết hồ sơ tại UBND quận Bình Thạnh |
TP.HCM vừa triển khai thử nghiệm hệ thống “phòng họp không giấy” và ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”; kết nối liên thông văn bản điện tử 760 điểm với hơn 4,3 triệu văn bản. Thành phố cũng đã giới thiệu 5 mô hình và 251 giải pháp hay về cải cách hành chính, nhân rộng mô hình "Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến” ra 13 quận huyện khác. Ngoài ra, lần đầu tiên, Thành phố ban hành quy chế phối hợp, quy định thời gian và quy trình giải quyết TTHC liên quan đến các quận, huyện, sở ngành; thực hiện chi thu nhập tăng thêm gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị.
“Bình Thạnh trực tuyến” là phần mềm trên điện thoại di động được UBND quận Bình Thạnh triển khai vận hành từ tháng 4/2017, là ứng dụng có sẵn (miễn phí) trên App Store và CH Play, giúp người dân dễ dàng tải và cài đặt trên smartphone để đăng ký hồ sơ dịch vụ công, tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ nộp tại bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả. Trong ảnh: Người dân tra cứu thông tin cấp phép xây dựng trên điện thoại thông minh bằng ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” |
Năm 2019 được TP.HCM xác định là năm đột phá về CCHC với nhiều chỉ tiêu được UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt thực hiện theo hướng đẩy mạnh mở rộng dịch vụ cho người dân qua mạng, bao gồm: 100% sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai việc đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; 100% quận, huyện, phường, xã triển khai hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân trực tuyến thông qua điện thoại thông minh để xử lý những tồn tại, hạn chế.
Người dân tra cứu thông tin cấp phép xây dựng trên điện thoại thông minh bằng ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” |
Bên cạnh đó, thành phố cũng xem xét triển khai thực hiện kết nối giao ban trực tuyến giữa các quận, huyện, phường, xã; kết nối camera ở các điểm nhạy cảm của quận, huyện, phường, xã để giám sát tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn dân cư; nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn thành phố từ 21% lên 30%-40%;. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2019, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố đã được diễn ra sâu rộng; phương thức làm việc đã được đổi mới trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử; giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, điều hành.
Bảng thông tin công khai kết quả đánh giá mức độ hài lòng về sự phục vụ của cán bộ, công chức cơ quan hành chính nhà nước bằng hệ thống máy tính tự động tại UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) |
CCHC đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thu hút nhân tài, khuyến khích tinh thần làm việc, đưa TP.HCM phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình./.
Bài: Thu Hương, Ảnh: An Hiếu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN