Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả trồng màu

Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả trồng màu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, vụ Hè Thu 2022, nông dân các huyện, thị ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang trồng trên 12.600 ha rau màu thực phẩm các loại; trong đó, có gần 2.600 ha rau màu trồng trên chân ruộng. Đến cuối tháng 8/2022, bà con đã cơ bản thu hoạch toàn bộ diện tích với sản lượng thu hoạch đạt trên 257.000 tấn rau màu hàng hóa cung ứng thị trường.

Rau màu tiêu thụ được giá nên nông dân thu lợi nhuận bình quân trên 133 triệu đồng/ha tùy loại rau màu, gấp 5 – 6 lần so với trồng lúa năng suất cao. Bà con rất phấn khởi.

Hiện nay, nông dân trong vùng đang chuẩn bị sản xuất tiếp vụ rau màu Thu Đông trên diện tích khoảng 8.000 ha với sản lượng thu hoạch ước khoảng 350.000 tấn rau màu cung ứng thị trường cuối năm, nhất là dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.

Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả trồng màu ảnh 1Thu hoạch cải ngọt trong nhà lưới ở xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Là địa bàn thường xuyên phải đối mặt thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và mưa bão hàng năm, các huyện, thị ven biển Gò Công như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công quan tâm đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Theo đó, trọng tâm là đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, khuyến khích phát triển diện tích rau màu trên nền đất lúa hiệu quả kém theo các mô hình chuyên canh màu, luân canh màu, luân vụ giữa lúa và màu vừa tiết kiệm nước bơm tát vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con.

Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả trồng màu ảnh 2Thu hoạch rau màu trong nhà lưới ở Hợp tác xã Hòa Thạnh (Gò Công Tây). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các địa phương chú trọng chuyển giao khoa học công nghệ thông qua các cuộc tập huấn, hội thảo, nhân rộng những mô hình mới trong sản xuất rau màu để nông dân cùng học hỏi, áp dụng, nhân rộng. Đặc biệt là trồng màu theo hướng GAP, an toàn, truy xuất nguồn gốc gắn với thành lập các hợp tác xã rau an toàn liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, bà con an tâm đẩy mạnh sản xuất.

Ngoài ra, ngành tổ chức hướng dẫn nông dân sử dụng các giống rau màu F1, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng rau màu hàng hóa cũng như đầu tư các nhà màng, nhà lưới trồng rau chủ động được thời vụ sản xuất vừa quản lý và kiểm soát tốt các đối tượng sâu bệnh gây hại. Nhờ vậy, nâng cao hiệu quả cây màu thích ứng biến đổi khí hậu.

Nhiều mô hình mới được ngành nông nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa vào trồng thử nghiệm cho kết quả tốt. Đơn cử như mô hình trồng cây đậu tương rau dưới chân ruộng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây kết hợp với Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico (gọi tắt là Công ty Thabico) thử nghiệm trong vụ Hè Thu tại ruộng của ông Võ Thành Thám, ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây,

Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả trồng màu ảnh 3Chăm sóc rau màu ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Trong vụ Hè thu năm 2022, ông Thám trồng 2.000 m2 cây đậu tương rau với sản lượng thu hoạch khoảng 2 tấn trái. Với giá bán trung bình từ 11.000-12.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, ông thu lãi từ 4 đến 4,5 triệu đồng/1.000m2 chỉ sau khoảng 2 tháng gieo trồng.

Theo đánh giá thực tế, cây đậu tương rau dễ trồng, ít bị sâu bệnh, thích hợp thổ nhưỡng Gò Công Tây và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trồng lúa năng suất cao.

Ông Mai Đức Tấn- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây nhấn mạnh, đây là mô hình sản xuất theo hướng nông sản sạch gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Qua đó, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng trên địa bàn Gò Công Tây, tiến tới hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ và thúc đẩy thực hiện tốt Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ của tỉnh đã đề ra cho các huyện, thị ven biển phía Đông đến năm 2025.

Mặt khác, việc hình thành các hợp tác xã rau an toàn tại các địa phương cũng tạo động lực hình thành các vùng chuyên canh rau màu thích ứng biến đổi khí hậu, đẩy nhanh tiến độ chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp và tạo mối liên kết chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả trồng màu ảnh 4Sơ chế rau an toàn ở Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây). Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Hiện nay, tại các huyện, thị phía Đông đã thành lập được nhiều hợp tác xã rau an toàn đang hoạt động hiệu quả như Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông), Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công), Hợp tác xã rau an toàn Hòa Thạnh (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Phú Quới (Gò Công Tây)….Trung bình, mỗi ngày các hợp tác xã rau an toàn kể trên cung ứng cho thị trường từ 2 đến 3 tấn rau an toàn với gần 20 chủng loại như: rau, cải, mướp đắng, dưa leo, đậu đũa.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm