Tiền Giang trao chứng nhận cho 21 sản phẩm OCOP

Tiền Giang trao chứng nhận cho 21 sản phẩm OCOP

Ngày 11/8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức trao chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh cho 21 sản phẩm đặc trưng vùng, miền của địa phương.

Tiền Giang trao chứng nhận cho 21 sản phẩm OCOP ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng trao chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Đến nay, Tiền Giang đã xây dựng và công nhận 119 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó, có 75 sản phẩm 4 sao và 44 sản phẩm 3 sao với 36 chủ thể tham gia là 8 hợp tác xã, 22 doanh nghiệp và 6 hộ sản xuất kinh doanh.

Theo Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, các sản phẩm đã được Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng thực chất, khách quan theo Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh, địa phương tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP ra thị trường; trong đó, triển khai các chính sách hỗ trợ quản lý nhãn hiệu, giấy chứng nhận, tem sao OCOP đối với sản phẩm đạt 3, 4, 5 sao. Riêng đối với sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ hỗ trợ bảng giới thiệu; hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm định hướng tham gia OCOP.

Tiền Giang trao chứng nhận cho 21 sản phẩm OCOP ảnh 2Các đại biểu tham quan sản phẩm được trao chứng nhận đạt OCOP. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Song song đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua việc cập nhật, xây dựng Cẩm nang sản phẩm OCOP Tiền Giang nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh qua các hội chợ, diễn đàn xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh hoặc các triển lãm trong nước công nghiệp – thương mại. Cùng đó, hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP thương mại điện tử và cổng thông tin điện tử kết nối OCOP là https://ketnoiocop.vn. 

Ngoài ra, tỉnh còn giúp các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên Cổng thông tin du lịch tỉnh cũng như hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay…

Theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Chương trình OCOP Tiền Giang đang phát huy vai trò tích cực đồi mới Tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) tại địa phương. Chương trình OCOP bước đầu đã tạo hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tạo sự lan tỏa trong xã hội; tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm và được nhiều người biết đến. Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm ngày một vươn xa hơn trên thị trường.

Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng vùng, miền của tỉnh Tiền Giang sau khi đạt OCOP cấp tỉnh đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ: BigC, Bách hóa xanh ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu bán sản phẩm trong năm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng đều tăng khá so với trước đây, sức cạnh tranh sản phẩm tăng lên, sự lưu thông trên thị trường ngày một mạnh mẽ, các chủ thể rất phấn khởi.

Điển hình như: Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) có 7 sản phẩm OCOP đã mở hơn 30 đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Phú Quốc, Cần Thơ, Tp Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, với doanh số hàng tháng trên 3 tỷ đồng. Từ cơ sở nhỏ lẻ ban đầu doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng nhà máy với vốn đầu 40 tỷ đồng; trong đó, được Quỹ Hỗ trợ khoa học tỉnh cho vay ưu đãi 5 tỷ đồng.

Công ty TNHH Trí Sơn (Tp Mỹ Tho) cũng đã tạo ra nhiều giỏ quà compo từ sản phẩm OCOP cung cấp cho khách hàng cao cấp đồng thời còn phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm (Tp. Hồ Chí Minh) nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Công ty hiện có 40 sản phẩm, trong đó đã chứng nhận 18 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, đã mở 49 nhà phân phối khắp các tỉnh, thành, đạt doanh số hơn 3 tỷ đồng/tháng.

Sản phẩm mắm tôm chà Gò Công (thị xã Gò Công) sau khi được chứng nhận OCOP đã được các hệ thống siêu thị chấp nhận đưa vào kinh doanh, nên doanh số tăng hàng trăm triệu mỗi tháng. Hợp tác xã Đông Nghi (huyện Châu Thành) với sản phẩm từ sữa dê đươc chứng nhận đạt OCOP đã tích cực mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh, mở thêm điểm du lịch nông thôn cùng nhiều đại lý phân phối ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, doanh số hiện đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP khác cũng đã đi vào các giỏ quà tặng, các cửa hàng tiện ích…

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm