Tiền Giang nuôi tôm xuất khẩu ở vùng sinh thái mặn, lợ

Nuôi tôm thâm canh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Nuôi tôm thâm canh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế thủy sản, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID - 19, Tiền Giang quan tâm phát huy tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu ở vùng sinh thái mặn, lợ đặc biệt là nuôi tôm thích ứng biến đổi khí hậu, tạo nguồn nông sản hàng hóa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu vừa giúp nhân dân ven biển khó khăn sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Tiền Giang nuôi tôm xuất khẩu ở vùng sinh thái mặn, lợ ảnh 1Nuôi tôm thâm canh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, các huyện, thị ven biển như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông đã đưa trên 8.200 ha mặt nước vùng sinh thái mặn, lợ sang nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm thẻ, tôm sú, đạt trên 71% chỉ tiêu cả năm.

Đáng chú ý, để nghề nuôi thủy sản mặn, lợ phát triển bền vững, Tiền Giang tăng cường chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích nông dân nuôi tôm theo các mô hình ứng dụng công nghệ cao hai hoặc ba giai đoạn, chẳng những đạt năng suất, sản lượng cao, hiệu quả kinh tế lớn mà còn cho ra sản phẩm sạch an toàn cho sức khỏe, môi trường,…

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có gần 300 ha nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, chiếm khoảng 15% trên tổng diện tích nuôi tôm thâm canh trong tỉnh.

Diện tích nuôi tôm công nghệ cao tập trung nhiều ở huyện Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây; trong đó, riêng huyện cù lao Tân Phú Đông hiện có khoảng 100 ha tôm nuôi công nghệ cao.

Với lợi thế cù lao nằm hạ lưu sông Tiền, án ngữ hai cửa sông lớn là Cửa Tiểu và Cửa Đại của hệ sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông, Tân Phú Đông là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Tiền Giang cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.

Phát huy tiềm năng và lợi thế trên khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã thả nuôi gần 6.500 ha thủy sản, tăng gần 2.100 ha so với cùng kỳ và đạt 88,3% chỉ tiêu cả năm; trong đó, riêng nuôi tôm nước lợ, mặn là 6.200 ha, đạt 89,4% chỉ tiêu cả năm. Nông dân đã thu hoạch đầu vụ đạt sản lượng 11.640 tấn tôm, tăng gần 1.000 tấn so với cùng kỳ.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Lê Thành Phạm Tiến, huyện đa dạng hóa các mô hình nuôi thủy sản mặn, lợ; trong đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao ba giai đoạn như trên tuy vốn đầu tư lớn nhưng bù lại chủ động được thời vụ, kiểm soát tốt dịch bệnh, ít rủi ro, an toàn cho sức khỏe và môi trường vừa mang lại những lợi ích thiết thực.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trung bình nông dân có thể nuôi được 2 vụ/năm hoặc 2 năm/ 5 vụ nuôi tôm. Năng suất tôm nuôi ba giai đoạn theo mô hình công nghệ cao như trên đạt 40 - 45 tấn/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất truyền thống trước đây.

Ông Ngô Minh Tuấn, cư ngụ tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông là người đi tiên phong nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao cho biết, ông hiện có 5 trang trại nuôi tôm thẻ công nghệ cao với diện tích mặt nước khai thác đưa vào nuôi khoảng 6 ha.

Ông Tuấn chia sẻ, nuôi theo mô hình công nghệ cao, người nuôi đầu tư mỗi ha khoảng 1,5 tỷ đồng cho các khâu kiến thiết ao nuôi, kiện toàn cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ. Cụ thể, ao được lót bạt, có mái che và thiết kế liên hoàn từ ao lắng, ao trử nước, ao chứa chất thải, ao nuôi theo từng giai đoạn...

Trong quy trình nuôi thì ngay từ khâu đầu tiên phải lựa chọn con giống sạch bệnh, mạnh khỏe, chất lượng tốt và nuôi qua ba giai đoạn. Giai đoạn I, tôm giống ương khoảng 25 ngày với mật độ thả 1.000 con/m2. Giai đoạn II, mật độ tôm thả trong ao giảm xuống còn 300 con/m2 và nuôi trong khoảng 40 ngày. Giai đoạn III, mật độ thả nuôi 150 con/m2 và thời gian nuôi trong 90 ngày thì xuất bán khi tôm đạt kích cở 30 con/kg trở lên. Với 6 ha mặt nước nuôi tôm ba giai đoạn, mỗi năm ông Ngô Minh Tuấn đạt sản lượng trên 250 tấn tôm thương phẩm, thu khoảng 45 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn đánh giá cao mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương. Theo ông Bùi Thái Sơn, định hướng của huyên Tân Phú Đông là khuyến khích nông dân đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật để chuyển đổi dần các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống đối mặt nhiều rủi ro, thách thức sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao bền vững.

Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai ở huyện nằm vị trí nơi đầu sóng ngọn gió hạ lưu sông Tiền, vốn có điều kiện thiên nhiên bất lợi, khí hậu khắc nghiệt, hàng năm hạn, mặn diễn ra gay gắt.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm