Gắn bó với nghề nuôi tôm biển hơn 20 năm, trải qua nhiều thất bại nhưng nông dân Lê Văn Sấm (Ba Sấm), sinh năm 1958, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) không nản chí, bỏ cuộc. Ham học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, ông Lê Văn Sấm đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Gặp ông Ba Sấm, hình ảnh người tỷ phú thu nhập hơn 25 tỷ đồng/năm khác so với trí tưởng tượng của phóng viên. Ông Ba Sấm giản dị như một nông dân bình thường, đang cùng các anh thu hoạch tôm.
Ông Ba Sấm cho biết, hôm nay ông thu hoạch tôm tại 3 ao, cỡ tôm 24 con/kg, ước chừng được hơn 10 tấn, với giá 180.000 đồng/kg lợi nhuận thu về rất cao.
Ông Ba Sấm cho hay, để có được thành quả như hôm nay, ông phải "lận đận" với con tôm biển hơn 20 năm qua. Có lúc, ông phải bán ao để trả nợ.
Theo ông Ba Sấm, khoảng đầu năm 2000, nghề nuôi tôm biển ở Thạnh Phú bắt đầu nở rộ. Ông Ba Sấm cũng tổ chức nuôi, một hai vụ đầu tôm trúng mùa, lợi nhuận cao. Sau đó, do ao nuôi nhiễm bệnh, lượng ao nuôi không thành công ngày càng nhiều khiến ông phải bán đất, bán nhà để trả nợ. Có lúc, ông Ba Sấm nghĩ đến bỏ nghề.
Không chịu khuất phục trước khó khăn, ông luôn tìm tòi, học hỏi từ các nơi khác, nhất là những nơi ứng dụng công nghệ vào phục vụ việc nuôi tôm.
Năm 2013, ông được Công ty cổ phẩn Chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức cho đi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ đáy bạt mật độ cao (200 con/m2) tại Cà Mau (nuôi tôm công nghệ cao nhiều gian đoạn). Ưu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Khả năng thành công trên 90%, một năm có thể nuôi 2 - 3 vụ.
Khi về nhà, ông thử nghiệm nuôi 2 ao đầu tiên, diện tích 1.000m2/ao và thành công với năng suất 8-9 tấn/ao, lãi 800 triệu đồng/ao.
Năm thứ hai, ông mạnh dạn phát triển 25 ao tương tự, năng suất cao nhất là 9,2 tấn/ao, lãi gần đạt 1 tỷ đồng/ao. Ông phấn khởi và tiếp tục mở rộng diện tích các khu nuôi cũng như tính chất, quy mô của từng khu. Đến năm 2015, ông bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao.
Theo ông Ba Sấm, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn. Hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao cũng phải được đầu tư bài bản.
Đặc biệt, cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh. Đa số người nuôi tôm hiện nay ứng dụng công nghệ cao chia thành 3 giai đoạn nuôi trở lên như: Giai đoạn ươm giống, giai đoạn tôm nhỏ, giai đoạn tôm lớn… để giúp tôm đạt hiệu quả, kích thước tôm lớn, từ 20-25 con/kg có thể xuất bán, khi đó giá tôm sẽ cao hơn các cỡ nhỏ.
Sau nhiều năm nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, giờ đây ông Ba Sấm đã hoàn toàn làm chủ công nghệ trong ngành nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và liên tục thắng lợi ở mỗi vụ nuôi.
Đến nay, ông là một trong những nông dân có diện tích nuôi tôm biển công nghệ cao lớn nhất huyện với trên 40 ha, năng suất cao, trung bình 70-90 tấn/ha, mỗi năm thu lợi hơn 25 tỷ đồng.
Ông Ba Sấm mong muốn, có sự hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư chi phí ban đầu vì chi phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng/ha. Ngoài ra, cần có giao thông thuận lợi và nguồn điện đầy đủ, người dân sẽ chuyển đổi sang nuôi theo công nghệ mới này, từ đó nghề nuôi tôm sẽ bền vững hơn.
Theo ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Phú, ông Ba Sấm là một trong những điển hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao thành công đầu tiên của huyện, giúp mô hình này lan tỏa đến các hộ dân, đồng thời khẳng định hiệu quả cao của mô hình trong ngành tôm biển. Ông Ba Sấm cũng là thành viên trong câu lạc bộ nông dân tỷ phú của huyện. Ông thường chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên trong câu lạc bộ, hướng dẫn người dân áp dụng mô hình mới vào sản xuất. Những người tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như ông Ba Sấm sẽ tạo điều kiện để các nông dân khác làm theo, từ đó tạo nên vùng sản xuất nuôi tôm có chất lượng cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu.
Ông Trương Thanh Hải cho hay, huyện Thạnh Phú xem nuôi tôm theo hướng công nghệ cao là hướng đi mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện thời gian tới. Từ vài ha năm 2015 đến nay huyện phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao được hơn 1.000 ha.
Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao giúp nghề nuôi tôm của vùng biển Thạnh Phú phát triển bền vững trong tương lai.
Huỳnh Phúc Hậu