Xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè là địa phương nằm trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang đang chuyển đổi mạnh mẽ từ thuần nông sang đa canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, từng bước xây dựng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, giúp đổi mới diện mạo nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Trong đó, nổi bật là mô hình chuyển đất trồng sang nuôi và ương, dưỡng cá giống cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa độc canh ba vụ trước đây.
Điển hình có hộ ông Nguyễn Văn Trước, cư ngụ tại ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A. Gia đình ông có 1,2 ha đất trồng lúa. Khoảng năm 2010, thấy trồng lúa thu nhập bấp bênh và quanh năm vất vả, đồng thời hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa, ông mạnh dạn cải tạo thửa ruộng, làm ao và học tập kỹ thuật nhân, ương dưỡng cá giống. Ban đầu ông chỉ chuyên tâm sản xuất giống hai loại cá chủ lực là cá tra và cá trê lai. Trung bình mỗi ha mặt nước sản xuất cá giống, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Thấy hiệu quả kinh tế vượt trội, ông Nguyễn Văn Trước tích lũy kinh nghiệm, thuê thêm đất mở rộng quy mô sản xuất đồng thời nhân, sản xuất nhiều loại giống cá nước ngọt đang được nông dân chuộng nuôi, nhu cầu thị trường rất lớn như: cá mè, chép, trôi, cá trê vàng, cá chạch lấu, các loại cá nuôi làm cảnh... Tổng cộng, ông thuê thêm khoảng 25 ha, tạo vùng nuôi và cung ứng cá giống rộng lớn nhất xã Hậu Mỹ Bắc A với sản lượng cá giống cung ứng từ 25-30 tấn/năm bao gồm nhiều chủng loại cá nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ hàng chục năm gắn bó với nghề sản xuất cá giống, ông Nguyễn Văn Trước am hiểu tập tính và quy luật sinh trưởng, nắm được quy trình cho đẻ nhân tạo và ương dưỡng giống nhiều loại cá đặc hữu nước ngọt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giá trị kinh tế cao như cá tra, cá mè vinh, cá trê lai… Đánh giá về chuyển đổi sang mô hình sản xuất cá giống, ông cho biết mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa độc canh. Mặc dù trong cơ chế thị trường không tránh khỏi những lúc đầu ra bấp bênh, cá giống mất giá, tiêu thụ khó khăn nhưng điều đó chỉ tạm thời, người sản xuất phải biết kiên trì giữ nghề. Ngoài ra, yếu tố nhạy bén, nắm vững kỹ thuật sinh sản, ương dưỡng cá giống hết sức quan trọng nếu nông dân muốn thành công với mô hình mới.
Tuy vậy, cũng như nhiều ngành nghề nông thôn đang phát triển khác, thời gian qua, nghề sản xuất và cung ứng cá giống nước ngọt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Cơ sở sản xuất và kinh doanh cá giống của gia đình ông Nguyễn Văn Trước cũng vậy, trong các năm 2020-2021 gần như chỉ hoạt động cầm chừng. Theo ông Trước, những tháng đầu năm 2022 có tín hiệu vui cho người làm nghề khi giá cá tra thương phẩm, cá tra giống đang hồi phục mạnh mẽ. Hiện nay, giá cá tra thương phẩm tại Tiền Giang tăng lên khoảng 30.000 đồng/kg, giá cá tra giống cũng dao động trong khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg đối với loại có kích cỡ từ 30 - 35 con/kg.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề sản xuất và kinh doanh cá giống, ông Nguyễn Văn Trước cho biết, giá tốt mang lại những niềm vui cho nông dân nhưng người sản xuất cũng phải rất thận trọng, không nên vội vàng mở rộng quy mô sản xuất tràn lan mà thay vào đó cần có kế hoạch sản xuất phù hợp tình hình thị trường. Hiện ông chuẩn bị khoảng chục ao nuôi, mỗi ao có diện tích 3.000 m2. Đồng thời, chia ra các khu vực sản xuất nhiều loại cá giống: cá tra, cá trê lai, cá trê vàng, cá chạch lấu, các loại cá nuôi làm cảnh… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, tránh rủi ro khi có biến động bất thường trên thị trường cá giống, khắc phục hạn chế do độc canh trong sản xuất cá giống.
Giỏi làm ăn, nhạy bén trước những thời cơ và vận hội mới, ông Nguyễn Văn Trước cũng là một tấm gương tích cực hưởng ứng chung sức xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, gia đình ông đã hiến trên 200 m2 đất mặt tiền để xã Hậu Mỹ Bắc A thi công tuyến đường Tây kênh số 7 theo chuẩn quốc gia phục vụ giao thương, đi lại, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân vùng sâu, vùng xa. Ông Nguyễn Văn Trước chia sẻ, chương trình xây dựng nông thôn mới hết sức thiết thực, tác động tích cực đến sản xuất và đời sống, đổi thay diện mạo nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do vậy, ông mong muốn đóng góp phần công sức của mình và gia đình nhằm kiện toàn cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo động lực giúp địa phương phát huy các tiềm năng đất đai, lao động tăng thu nhập, giảm nghèo và làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hậu Mỹ Bắc A đánh giá cao tấm gương làm ăn giỏi vừa chung sức xây dựng nông thôn mới của ông Nguyễn Văn Trước. Từ mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả của ông Trước, xã Hậu Mỹ Bắc A đã định hình vùng sản xuất cá giống trên 100 ha, trở thành một trong những vùng cung ứng giống các loại các nước ngọt lớn nhất khu vực sông Tiền hiện nay. Đồng thời, nhờ sự chung sức của những hộ dân như ông Nguyễn Văn Trước tích cực đóng góp công sức kiện toàn và phát triển giao thông nông thôn, xã Hậu Mỹ Bắc A đã hoàn thành 100% tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới vào cuối năm 2021.
Minh Trí