Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đem lại lợi nhuận cao, góp phần lớn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tạo ra sự liên kết trong sản xuất, chủ động tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến tháng 2/2023 trên địa bàn tỉnh hiện có 337 trang trại, trong đó 128 trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt, 177 chăn nuôi, 27 thủy sản và 5 tổng hợp, tổng diện tích sản xuất các trang trại hiện có 2.490 ha, tổng số lao động thường xuyên của các trang trại là 3.558 người, tổng giá trị sản xuất của các trang trại đạt 2.709 tỷ đồng. Doanh thu bình quân các trang trại đạt khoảng 8 tỷ đồng/năm; thu nhập của người lao động làm việc trong trang trại khoảng 80 triệu đồng/năm.
Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, kinh tế trang trại đã và đang đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các loại nông sản hàng hóa, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 50 ha của Công ty cổ phần Công nghệ cao Kim Long, ở thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức là một trong những mô hình tiêu biểu, bước đầu thành công trên địa bàn huyện Châu Đức.
Mô hình được lắp đặt hệ thống tưới phun sương và bón phân hữu cơ thông qua hệ thống tưới hoàn toàn bằng điều khiển tự động. Việc áp dụng công nghệ tưới này đã giúp doanh nghiệp chủ động trong việc giữ độ ẩm, bón phân cho vườn cây, đặc biệt tiết kiệm được 80% công lao động cho việc tưới nước, bón phân. Mô hình cũng sử dụng Anten cảm biến để báo gió, độ ẩm của vườn - giúp điều chỉnh lịch tưới cho phù hợp. Nhờ vậy, cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả năng suất ổn định.
Trong số 50 ha bưởi thì hiện 20 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 300 tấn/năm. Giá bán trung bình từ 10-15 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp thu lợi nhuận 6 tỷ đồng/năm.
Chị Cao Ngọc Diệp, Giám đốc công ty cổ phần công nghệ cao Kim Long, huyện Châu Đức cho biết, khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: sử dụng hệ thống tưới, bón phân hiện đại, phun thuốc bằng máy bay không người lái, đo cảm biến gió, độ ẩm của vườn…, đã giúp vườn cây được chăm sóc tốt hơn, giúp doanh nghiệp giảm được nhiều nhân công, giảm bớt phần nào chi phí cho vườn cây về lâu về dài.
Còn tại trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao của công ty TNHH Trang Linh, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, hiện đang nuôi hơn 38.000 con lợn, trong đó có 35.000 con lợn thịt và 3.000 con lợn nái, hoàn toàn ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi khép kin.
Theo anh Phạm Trường Giang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang Linh cho biết, trang trại của gia đình anh được thành lập từ năm 2002, trên diện tích 70 ha, trong đó 25 ha sử dụng trong chăn nuôi lợn. Ngay từ khi thành lập trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn. Hiện trang trại Trang Linh đang ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, khép kín trong chuồng lạnh, máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động. Điều đáng nói là, mặc dù nuôi trong phòng lạnh nhưng mỗi chuồng nuôi sẽ thiết kế một nửa sàn xi măng, một nửa là đệm lót sinh học, để khi nóng lợn sẽ lên sàn xi măng nằm, còn khi lạnh lợn có thể xuống đệm lót nằm.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi lợn nuôi từ khi sinh ra cho đến kỳ xuất chuồng lợn thịt hoàn toàn không tắm (không tiếp xúc với nguồn nước), từ thiết kế và cách chăn nuôi này đã giúp hạn chế về dịch bệnh, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong sử dụng điện, nước, thuốc thú y, đảm bảo về môi trường nuôi do không phát sinh nước thải, không phải xử lý nước thải trong trong chăn nuôi.
Anh Phạm Trường Giang cũng chia sẻ thêm, áp dụng mô hình chăn nuôi này sẽ kéo dài thời gian nuôi hơn so với nuôi bình thường, nhưng chất lượng thịt sẽ ngon hơn, thịt đỏ, nhiều nạc. Chính vì vậy, mà hiện nay giá lợn hơi của trang trại anh luôn bán cao hơn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với giá thị trường. Việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, trang trại của gia đình anh Giang cũng tiết kiệm được khoảng 50% chi phí trong chăn nuôi. Ngoài ra, hiện nay tại trang trại còn đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm chăn nuôi lợn để cung cấp cho thị trường và phục vụ trồng rau sạch trong nhà lưới.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trang trại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản…
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn. Việc thiếu đất sản xuất đang làm hạn chế việc phát triển kinh tế trang trại. Vì thế, để đạt tiêu chí trang trại, hộ nông dân phải có khoảng từ 2,1 - 3,1 ha. Hiện nay, đa số các địa phương không còn quỹ đất mới để giao cho nông hộ làm trang trại nên phần lớn các hộ nông dân phải dồn điền đổi thửa hoặc phải thuê mướn, mua bán...
Theo ông Vũ Ngọc Đăng, thời gian tới, để phát triển kinh tế trang trại, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có những chính sách chuyển đổi kinh tế hộ sang trang trại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quảng bá những sản phẩm trang trại đang có; hỗ trợ các trang trại về vốn, khoa học kỹ thuật...
Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, đa số các loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị tăng cao, thân thiết với môi trường, tạo động lực phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hoàng Nhị