Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc vừa phát hiện hóa thạch của một loài tôm có niên đại cách đây 518 triệu năm, được khai quật ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam nước này.
Theo các nhà khoa học thuộc Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh và Viện Khoa học Trung Quốc, loài tôm hóa thạch này có tên khoa học là Innovatiocaris maotianshanensis, trước đây thường bị nhầm lẫn với loài tôm Anomalocaris, do có bề ngoài tương tự. Hóa thạch của chúng được thu thập từ quần thể động vật ở thời kỳ đầu của kỷ Cambri thuộc khu vực trầm tích Trừng Giang.
Nhà khoa học Zeng Han cho biết cũng giống như Anomalocaris, tôm Innovatiocaris maotianshanensis có thân hình thuôn dài với các chân bơi giống như mái chèo và giáp mang để bơi và thở, một đôi chân kìm có gai, một cặp mắt lớn trên đầu và miệng hình tròn phía bên dưới.
Tuy nhiên, Innovatiocaris maotianshanensis còn có một cặp đuôi rất dài và các chi tiết hình thái của móng vuốt phía trước của loài tôm này khác biệt rõ rệt với Anomalocaris.
Ông Zhao Fangchen - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết các nhà khoa học cũng đã phân tích tiến hóa của các chi của loài tôm này và từ đó nhận thấy rằng các chi của Innovatiocaris maotianshanensis rất gần với điểm xuất phát tiến hóa của Anomalocaris.
Theo ông Zhao Fanchen, phát hiện này cũng cung cấp manh mối quan trọng, giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự tiến hóa và hệ sinh thái của các loài động vật chân đốt sơ khai trong thời kỳ đầu của kỷ Cambri.
Thanh Phương