Sau khi tham gia lớp tập huấn mô hình trồng nấm, nhiều cặp vợ chồng trẻ tại xã vùng sâu Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã “đổi đời” nhờ nguồn thu ổn định từ trồng nấm bào ngư.
Theo các hộ trồng nấm bào ngư ở xã Phú Trung, loại này phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, dễ trồng, ít công chăm sóc, thời gian thu hoạch nhanh, chi phí đầu tư không lớn, cho lợi nhuận khá… Ngoài ra, quy trình sản xuất nấm sạch nên rất nhiều hộ trong và ngoài địa phương ủng hộ chọn làm món ăn hàng ngày.
Từ những kiến thức trong quá trình tập huấn, tìm hiểu qua trang mạng, nhiều hộ đã mạnh dạn dùng khoản tiền tiết kiệm, vay vốn thêm để đầu tư mô hình trồng nấm. Chỉ sau thời gian ngắn từ năm 2020, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình và người dân địa phương.
Gia đình chị Nguyễn Thị Vân Anh ở thôn Phú Tâm sau khi tham gia lớp tập huấn của xã tổ chức, chị đã “bắt tay” thực hiện mô hình trồng nấm trên mảnh đất trống sau nhà. Hiện 30.000 phôi nấm của gia đình chị Vân Anh đã cho lên kệ và có kệ đang thu hoạch, có những kệ đang chờ ngày thu hoạch... Chị Vân Anh cho biết, trước đây chị có tham gia lớp tập huấn mô hình trồng nấm do UBND xã và Hội Nông dân tổ chức. Từ đó, vợ chồng chị quyết định tìm hiểu thêm và thực hiện mô hình trồng nấm để có thu nhập ổn định hơn.
Sau khi quyết định đầu tư trồng nấm, vợ chồng chị Vân Anh phải dành thời gian gần 1 tháng để tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc, làm nhà trồng nấm, trang thiết bị trại… xây dựng mô hình hoàn chỉnh. Với quy mô nhà trồng nấm diện tích gần 400m2. Kinh phí ban đầu thực hiện mô hình khoảng 300 triệu đồng từ khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng và hỗ trợ từ người thân trong gia đình.
Hơn 1 năm nay, nhờ tìm hiểu kỹ, nắm chắc các kiến thức về trồng nấm nên mô hình nấm của gia đình chị Vân Anh sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch đều. “Trồng nấm bào ngư chăm sóc cũng không phức tạp lắm, thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư cũng không cao. Nguồn phôi nấm cũng không khó tìm, hiện nay, gia đình tôi lấy phôi từ tỉnh Bình Thuận và các trại ở địa phương. Nấm này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Mưa nhiều thì nấm sẽ ra thất thường, còn nếu nắng quá thì năng suất không được cao nên phải cân bằng độ ẩm bằng hệ thống làm mát”, chị Vân Anh chia sẻ thêm.
Hiện thu hoạch một ngày của gia đình chị Vân Anh thời điểm cao nhất khoảng từ 50-60 kg nấm tươi, có những ngày thấp khoảng từ 20-30 kg. Với giá bán nấm 40.000 đồng/kg thì gia đình chị Vân Anh thu nhập thêm gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Gia đình chị Trương Thị Mai ở thôn Phước An cũng "mát tay" với nghề “tay trái” là mô hình trồng nấm. Theo chị Mai, ý tưởng trồng nấm xuất phát từ hội thảo tập huấn mô hình trồng nấm ở địa phương. Trước khi chưa trồng nấm, nguồn thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng khoảng 10 triệu đồng từ công việc cao mủ cao su cho doanh nghiệp trên địa bàn. Từ khi trồng nấm, thu nhập của gia đình đã khá hơn trước.
Chị Trương Thị Mai cho biết, đây là mô hình phù hợp với gia đình, chị vừa đi cạo mủ vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau chăm sóc thêm nấm để bán. Từ khi trồng thêm nấm, thu nhập gia đình cũng khá hơn so với trước kia. Dù diện tích trồng không lớn, nhưng mỗi năm tiền lãi từ trồng nấm trên 70 triệu đồng khiến gia đình chị rất phấn khởi.
Theo các hộ dân trồng nấm, tùy theo nhu cầu tiêu thụ của khách hàng mà các hộ sẽ cho ra số lượng nhiều hơn để cung ứng nhu cầu sử dụng. Thị trường tiêu thụ hiện nay rất ổn định, có những thời điểm thiếu nấm để bán.
Mô hình trồng nấm ở xã vùng sâu Phú Trung không chỉ mang lại thu nhập thêm cho nhiều hộ mà còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Ông Tăng Đình Tiến ở thôn Phú Lâm, xã Phú Trung cho biết, sau khi nghỉ hưu với đồng lương thấp, ông được các hộ trồng nấm thuê chăm sóc. Công việc gần nhà và rất phù hợp với người có tuổi như ông.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Trung Vũ Thanh Long, hầu hết những hộ trồng nấm ở địa phương đều là thanh niên trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm. Với vốn kiến thức đã học cũng như qua kinh nghiệm thực tiễn, các hộ đã tận dụng ưu thế sẵn có của địa phương để phục vụ cho việc trồng nấm thuận lợi và hiệu quả. Qua đánh giá của Hội Nông dân xã, mô hình trồng nấm năng xuất tốt, phù hợp với bà con nông dân thiếu đất canh tác.
“Hiện nay, UBND xã và Hội Nông dân cũng đang đề xuất các hộ trồng nấm xây dựng thương hiệu OCOP của địa phương. Hội Nông dân xã đang tiến hành đăng ký thương hiệu mô hình nấm sạch cho bà con.”, ông Vũ Thanh Long cho biết thêm.
Hiện xã vùng sâu Phú Trung đã có 11 hộ thực hiện mô hình trồng nấm và mang lại hiệu quả thu nhập kinh tế ổn định. Việc các hộ thường xuyên học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, thường xuyên cập nhật các thông tin về khoa học kỹ thuật mới về trồng nấm trên báo, truyền hình và mạng internet để trau dồi kiến thức đã góp phần nâng cao chất lượng trồng nấm sạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
K GỬIH