Xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước là một trong những địa phương trồng nấm bào ngư và nấm mèo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân trồng nấm còn giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động ở địa phương.
Trang trại trồng nấm bào ngư và nấm mèo của hai vợ chồng chị Bùi Thị Hạnh ở ấp 7 với quy mô 4.000 m2. Cách đây 10 năm, hai vợ chồng chị khởi nghiệp kế thừa nghề trồng nấm từ cha mẹ chỉ với 4.000-5.000 bọc nấm bào ngư. Chị Hạnh cho biết, sau khi biết nhu cầu thị trường về nấm ngày càng tăng nên anh chị quyết định vay mượn tiền mua thêm đất mở rộng sản xuất.
Đến nay, trang trại nấm của gia đình chị có 100.000 bọc nấm bào ngư, năng suất đạt từ 20-25 tấn/năm, còn 400.000 bọc nấm mèo cho năng suất 20 tấn/năm. Với giá nấm bào ngư khoảng 30.000 đồng/kg tươi và từ 90.000-120.000 đồng/kg nấm mèo khô đã thu về lãi cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Bùi Thị Hạnh chia sẻ, nghề nấm này chị làm được 10 năm. Hiệu quả kinh tế nói chung là ổn định so với cây trồng khác. Đầu ra nấm cũng ổn định nên gia đình chị mở rộng lớn hơn. Như nấm mèo nhập từ Campuchia, còn bào ngư thì nhập chợ Đồng Xoài. So với mọi năm, nấm mèo năm nay có giá cao khoảng 90.000 đồng/kg là bán sỉ, còn nấm bào ngư là 30.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình chị còn cung cấp phôi giống cho nông dân trên địa bàn tỉnh từ 60.000 - 70.000 bọc. Hiện nay, cơ sở sản xuất nấm của gia đình chị giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng và hang chục lao động thời vụ.
Còn trại nấm của gia đình anh Đỗ Văn Thảo cũng ở ấp 7 có diện tích hơn 1.200 m2. Hiện nay, gia đình anh đang trồng 200.000 bọc nấm mèo và 100.000 bọc nấm bào ngư. Theo anh Thảo, đối với loại nấm mèo một năm chỉ được hai vụ. Với số lượng này, mỗi năm gia đình thu về khoảng 8 tấn, còn nấm bào ngư thì cho thu hoạch quanh năm, với sản lượng từ 16 đến 18 tấn. Khi sử dụng hết chất trong bọc phôi, gia đình lại tận dụng để sử dụng trồng nấm rơm. Sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về hơn 350 triệu đồng/năm. Hơn 10 năm trồng nấm, gia đình anh chưa năm nào bị lỗ, thu nhập ổn định.
Anh Đỗ Văn Thảo chia sẻ: “Gia đình tôi chủ yếu trồng nấm mèo và nấm bào ngư. Nấm bào ngư để tươi bán hàng ngày, còn nấm mèo để bán khô. Giá thành so với mọi năm thì bỏ mối 25.000 đồng/kg, còn năm nay tôi bỏ mối trên 30.000 đồng/kg. Nói chung nguồn thu của gia đình từ nấm cũng ổn định”.
Nghề trồng nấm trên địa bàn xã Tân Thành đã có trên hàng chục năm, tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây mới phát triển mạnh. Hiện nay trên địa bàn xã có 5 hộ sản xuất, trồng nấm bào ngư và nấm mèo với tổng diện tích gần 10.000 m2. Sản lượng khai thác mỗi năm đạt khoảng 50 tấn nấm mèo khô và 100 tấn nấm bào ngư tươi cung cấp nhu cầu thị trường trong tỉnh.
Trước nhu cầu của thị trường càng tăng, vừa qua đã có một số hộ mở rộng đầu tư trồng loại nấm này. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển nghề trồng nấm của xã Tân Thành. Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành Lê Ngọc Sử cho biết, xã Tân Thành có nhiều hộ trồng nấm mèo và nấm bào ngư cung cấp thị trường.
Các cơ sở làm nấm ở đây trung bình mỗi năm khoảng 50 tấn nấm mèo phơi khô, còn nấm bào ngư xám thì khoảng 100 tấn. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục sẽ có những hỗ trợ bằng các nguồn vốn ưu đãi để cho bà con phát triển, mở rộng sản xuất.
Trong những năm qua, nghề trồng nấm tại xã Tân Thành không chỉ giúp người nông dân có nguồn thu nhập ổn định, mà con tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, việc trồng nấm còn góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
K GỬIH