Nông dân thu hoạch nấm rơm. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Tại thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), nghề trồng nấm đã được nông dân duy trì nhiều năm nay. Tận dụng phế phẩm từ cây lúa và thời gian rảnh rỗi trong mùa khô, nông dân Ngã Năm đã phát triển mạnh nghề trồng nấm rơm, từ nghề phụ “tranh thủ“ này mà nhiều hộ dân nơi đây có thu nhập khá ổn định, có hộ thoát nghèo, nâng cao điều kiện sống. Vụ nấm rơm thường bắt đầu từ sau tết Nguyên đán, sau khi thu hoạch lúa vụ lúa Đông xuân vì chất lượng rơm ở vụ này khá tốt thích hợp cho việc trồng nấm. Vụ nấm rơm này, chị Phan Thị Xem ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm trồng nấm rơm khá nhiều với quy mô 1.300 chai meo giống và cần lượng rơm thu hoạch từ hơn 6 ha ruộng lúa. Theo chị Phan Thị Xem, trồng nấm phải lựa chọn những vị trí đất thấp và có tán cây và bóng mát hoặc mái che thì nấm rơm mới đạt năng suất cao. Trung bình mỗi ha rơm gom về trồng nấm, sau khi trừ chi phí giống và nhân công, lợi nhuận còn gần 8 triệu đồng sau mỗi vụ (khoảng 60 ngày). Nấm rơm được trồng có thời gian ủ rơm rạ và chất vồng (luống) mất khoảng 40 ngày là bắt đầu thu hoạch. Thay vì thu hoạch nấm vào sáng sớm như thông lệ do nhu cầu của thương lái bà con chuyển sang thu hoạch nấm vào ban đêm nên giá thành sẽ cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Hiện giá nấm rơm ở Sóc Trăng đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn so với mọi năm từ 10.000 đồng trở lên. Đó là giá bán cho thương lái, còn giá nấm rơm bán lẻ tại chợ Sóc Trăng có khi lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg. Thị xã Ngã Năm vụ này có khoảng 450 hộ trồng nấm rơm, với diện tích gần 40.000 ha lúa, lượng rơm thu hoạch sau mỗi vụ ở Ngã Năm tới hơn 200.000 tấn. Việc sử dụng rơm rạ làm nấm rơm sẽ giúp bà con vệ sinh đồng ruộng, tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ trong sản xuất lúa vụ sau, tranh tình trạng đốt đồng gây khói ô nhiễm và ảnh hưởng giao thông, ngoài ra, trồng nấm còn tăng thu nhập cho nông hộ. Ngoài thị xã Ngã Năm, các địa phương khác như huyện Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị của tỉnh Sóc Trăng, nghề trồng nấm rơm cũng phát triển, đặc biệt, mô hình trồng nấm rơm thường phát triển khá mạnh ở vùng đồng bào Khmer do nguồn vốn đầu tư ít, kỹ thuật đơn giản, dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu ra cũng dễ tiêu thụ.
Trung Hiếu