Kon Tum là tỉnh miền núi, được biết đến với các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, cao su. Tuy nhiên, tận dụng một số khu vực bằng phẳng, trũng thấp hoặc vận dụng kiến thức làm ruộng bậc thang, bà con nông dân tại Kon Tum đã gieo trồng được hơn 7.200 ha lúa nước vụ Đông – Xuân và khoảng 12.500 ha lúa vụ mùa. Đặc biệt, từ vụ mùa 2020 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã ứng dụng và đưa vào sản xuất thí điểm một số giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25,… bước đầu mở ra triển vọng mới cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Những ngày này, 6 hộ dân tham gia mô hình trồng lúa ST25 tại thôn Vắc Y Nhông, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông đang tất bật thu hoạch 3ha lúa. Dự án do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kon Plông phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã Đăk Ring triển khai, với mục tiêu đưa giống lúa chất lượng cao ST25 vào sản xuất thí điểm. Sau thí điểm, ngành nông nghiệp huyện sẽ triển khai trồng đại trà vào những vụ sau.
Gia đình anh A Triệu (trú thôn Vắc Y Nhông) là một trong 6 hộ dân tham gia dự án cho biết: Qua hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp từ khâu chọn giống, gieo trồng, phòng trừ dịch bệnh hại; lúa thu hoạch của gia đình anh đạt sản lượng cao, chất lượng tốt, khi nấu thành cơm ăn ngon hơn nhiều so với các giống lúa trồng trước kia. Bên cạnh đó, lúa còn được mua với giá cao hơn 20% so với các giống lúa thông thường.
Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai đưa các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất; trong đó có cây lúa. Qua theo dõi, ngành nông nghiệp huyện nhận thấy giống lúa ST25 có những đặc ưu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như khả năng kháng bệnh cao, thân cứng, chống chịu được đổ ngã. Bên cạnh đó, với chu kỳ sinh trưởng, phát triển từ 116 – 140 ngày, lúa ST25 có thể được người dân canh tác 2 – 3 vụ/năm.
“So với các diện tích trồng lúa IR 64 được bà con trồng đại trà với sản lượng khoảng 5,5 tấn/ha, lúa ST25 có sản lượng cao hơn, đạt trung bình 6,1 tấn/ha. Qua quá trình nghiên cứu, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai mở rộng quy mô, diện tích giống lúa ST25; đồng thời tiếp tục đầu tư về giống, kỹ thuật cho bà con để nâng cao giá trị cho lúa, hướng đến phát triển thương hiệu giống lúa chất lượng cao trên địa bàn. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho bà con nông dân”, ông Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, hiện nay, các vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Kon Tum đang tổ chức sản xuất những giống lúa chất lượng cao như HT1, RVT, Hương châu 6, Đài thơm 8, Bắc Thơm 7…
Đặc biệt, từ vụ mùa 2020, ngành nông nghiệp đã triển khai mô hình sản xuất lúa ST24 tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy và xã Đăk La, huyện Đăk Hà với diện tích 20 ha/80 hộ tham gia, năng suất đạt 60- 65tạ/ha; mô hình sản xuất ST25 tại xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy với diện tích 5ha/30 hộ tham gia, năng suất đạt trên 70tạ/ha.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa giống lúa thơm ST24, ST25 vào hướng dẫn cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng trên địa bàn các huyện thành phố để có cơ sở khuyến cáo, nhân diện rộng. Hiện nay, giống lúa ST24, ST25 đã và đang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Kon Plong, Kon Rẫy, Đăk Glei triển khai với tổng diện tích hàng chục ha.
Ông Bùi Đức Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đánh giá, về năng suất, chất lượng của các giống lúa chất lượng cao đang sản xuất trên địa bàn tỉnh cơ bản cho năng suất cao, trung bình từ 60-85 tạ/ha/vụ; chất lượng gạo ngon, thơm, dẻo, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.
Riêng đối với giống lúa ST24, ST25, thời gian sinh trưởng khoảng 100 – 120 ngày, có khả năng thâm canh cao, thích ứng rộng, có thể gieo sạ 2 vụ/năm; đẻ nhánh khỏe, cây cứng, bông to dài, năng suất trung bình đạt trên 60 tạ/ha. Bước đầu cho thấy hai giống lúa này phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai của tỉnh Kon Tum. Giá lúa ST24, ST25 được bán cao hơn 20% so với các giống lúa khác hiện đang được sản xuất nên cũng mang lại giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích cao hơn cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho rằng: Giống lúa ST25 đòi hỏi người sản xuất phải nắm vững các biện pháp kỹ thuật, chịu thâm canh cao, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, cân đối. Vì vậy, bà con nông dân cần nắm vững các kiến thức trồng và chăm sóc giống lúa này để tránh bị thiệt hại hoặc làm giảm giá trị lúa.
“Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận vào sản xuất; thường xuyên mở các tập huấn, chuyển giao ứng dụng các biện pháp kỹ thuật như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khẻo cây trồng tổng hợp (IPHM), 1phải 5 giảm,...
Riêng đối với giống lúa ST24, ST25, ngành sẽ tiếp tục triển khai các mô hình trình diễn tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hội thảo đầu bờ để tuyên truyền, khuyến cáo người dân làm theo”, ông Bùi Đức Trung khẳng định.
Ông Bùi Đức Trung cũng khuyến cáo, bà con nông dân không nên dùng lúa thịt (lúa vụ trước) để làm giống, phải dùng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ, giúp ruộng lúa phát triển đồng đều, hạn chế sâu bệnh và cỏ dại, năng suất tăng từ 10 – 20%, giữ được phẩm chất và giá trị hạt gạo.
Ngoài ra, khi mua giống lúa ST24, ST25, bà con cần lựa chọn những cơ sở có uy tín, xem kỹ thông tin in trên bao bì, vì hiện nay trên thị trường giá giống lúa ST24, ST25 tương đối cao, dẫn đến nguy cơ làm giả, làm nhái nhiều.
Dư Toán