Trái cây sạch cho thị trường nội địa (Bài 1)

Trái cây sạch cho thị trường nội địa (Bài 1)
Bài 1: Đa chủng loại cho thị trường
Đặc điểm khí hậu nhiệt đới đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trái cây Việt Nam phát triển. Trong những năm gần đây, ngành hàng trái cây đã mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp ngành sản xuất trái cây có thêm động lực phát triển, tăng thêm các chủng loại để phục vụ cho thị trường.
Đồng Tháp là tỉnh đi đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về việc khuyến khích các doanh nghiệp góp vốn vào các hợp tác xã sản xuất lúa lý tưởng, xoài, nhãn, thanh long,… để xuất khẩu đi các thị trường "khó tính" với tỉ lệ vốn chiếm 1/10, để nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã và đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho các đơn vị này. Ảnh: Đức Nhung-TTXVN
Đồng Tháp là tỉnh đi đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về việc khuyến khích các doanh nghiệp góp vốn vào các hợp tác xã sản xuất lúa lý tưởng, xoài, nhãn, thanh long,… để xuất khẩu đi các thị trường "khó tính" với tỉ lệ vốn chiếm 1/10, để nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã và đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho các đơn vị này. Ảnh: Đức Nhung-TTXVN
 
Phục vụ thói quen dùng sản phẩm tươi
Tập tính tiêu dùng của người Việt là sử dụng trái cây tươi, do đó, thị trường nội địa là nơi tiêu thụ hiệu quả nhất các chủng loại trái cây tươi Việt Nam.

Khi hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, thu nhập tăng cao, người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng "khó tính" hơn so với trước đây. Xu hướng của người tiêu dùng trong nước hiện nay tìm đến các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trên từng sản phẩm được chú ý khi lựa chọn thực phẩm.
 
Ngành trái cây muốn chinh phục khách hàng trong nước, phải tự điều chỉnh, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, tương đương các tiêu chuẩn xuất khẩu để phục vụ cho thị trường “bệ phóng” trong nước này.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (Tập đoàn Vina T&T) chia sẻ, có nhiều khách hàng nước ngoài đến Việt Nam rất ít khi được sử dụng trái cây ngon tại thị trường nội địa. Đây là vấn đề lớn cho toàn ngành trái cây Việt Nam. Không có lý do gì để người tiêu dùng trong nước không được thưởng thức những loại trái cây ngon, chất lượng cao do chính nông dân trong nước sản xuất.
 
Vì lý do này, Vina T&T đã có ý tưởng xây dựng hệ thống cửa hàng cung cấp trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho thị trường trong nước. Bằng cách này, người tiêu dùng trong nước sẽ được đối xử công bằng hơn so với trước đây. Nông dân tham gia chuỗi này cũng sản xuất sản phẩm chất lượng cao, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ chi phí cao hơn để có sản phẩm an toàn, được đối xử ngang hàng với khách hàng quốc tế. Như vậy, lợi nhuận cũng được chia sẻ đồng đều cho các thành viên tham gia, không khác so với mang sản phẩm đi xuất khẩu.
 
Việt Nam hiện có hơn 70 loại trái cây khác nhau được tiêu thụ tại thị trường nội địa như bưởi, dưa hấu, sầu riêng, dừa, chanh leo, vải, mận… Trong số này, hơn 50% hiện đang được xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,… và các thị trường tầm trung như Trung Đông, Ấn Độ,…
 
Với 70 loại trái cây khác nhau này, hiện có rất ít trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được cung ứng cho thị trường trong nước. Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, Vina T&T có nhiều chủng loại sản phẩm trái cây tươi, chất lượng cao phục vụ cho thị trường trong nước như thanh long, nhãn, chôm chôm, vú sữa, xoài, sầu riêng, mận,… Dù không bao quát hết tất cả các chủng loại trái cây hiện có của Việt Nam, nhưng khi có một doanh nghiệp khởi đầu việc cung cấp trái cây tươi chất lượng cao cho người tiêu dùng nội địa, chắc chắc sẽ có nhiều doanh nghiệp khác tham gia sân chơi này. Bởi, không doanh nghiệp nào từ chối con đường mang lại lợi nhuận cao, được chia đều trong chuỗi mà lại giảm thiểu các chi phí như khi xuất khẩu.
 
Đa dạng sản phẩm chế biến
Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều loại trái cây chiếm ưu thế cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác, như vú sữa, thanh long, mãng cầu, dưa hấu, vải thiều, nhãn,…Vì vậy, khi tăng cường sản phẩm chế biến các loại trái cây này, sẽ giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn mới cho trái cây Việt Nam.
Cho đến nay, Tập đoàn Vina T&T đã thành công khi đưa trái thanh long thâm nhập vào thị trường Mỹ. Để làm được điều này,Vina T&T phải tuân thủ quy trình khép kín là vùng nguyên liệu được các chuyên gia của Mỹ sang kiểm định, kỹ thuật chiếu xạ được Mỹ công nhận và các quy tắc đóng gói theo yêu cầu của thị trường Mỹ. Tập đoàn Vina T&T ước tính bình quân xuất khẩu 72 tấn thanh long sang Mỹ mỗi tuần. Thời gian cắt trái thanh long cho đến khâu rửa, chiếu xạ, đóng gói bao bì và đưa ra cảng đến thị trường Mỹ chỉ vỏn vẹn trong vòng 24 ngày. Ảnh: Đức Nhung-TTXVN
Cho đến nay, Tập đoàn Vina T&T đã thành công khi đưa trái thanh long thâm nhập vào thị trường Mỹ. Để làm được điều này,Vina T&T phải tuân thủ quy trình khép kín là vùng nguyên liệu được các chuyên gia của Mỹ sang kiểm định, kỹ thuật chiếu xạ được Mỹ công nhận và các quy tắc đóng gói theo yêu cầu của thị trường Mỹ. Tập đoàn Vina T&T ước tính bình quân xuất khẩu 72 tấn thanh long sang Mỹ mỗi tuần. Thời gian cắt trái thanh long cho đến khâu rửa, chiếu xạ, đóng gói bao bì và đưa ra cảng đến thị trường Mỹ chỉ vỏn vẹn trong vòng 24 ngày. Ảnh: Đức Nhung-TTXVN
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trái cây hiện là mặt hàng còn nhiều tiềm năng để phát triển, phục vụ nhu cầu trong nước, kể cả xuất khẩu. Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục tưởng Cục Trồng trọt nhận định, ngành trái cây Việt phải tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất trái cây. Bên cạnh đó, toàn ngành tăng cường phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ trái cây với các sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, bột trái cây… nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường.
 
Trong lĩnh vực chế biến trái cây hiện nay phải kể đến Công ty Cổ phần Vinamit. Đây là công ty đi tiên phong trong lĩnh vực chế biến, góp phần nâng cao giá trị trái cây Việt và đưa các sản phẩm chế biến từ trái cây lưu thông trên thị trường nội địa và thế giới.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cho biết, khi mới thành lập, sản phẩm chế biến của Vinamit còn ít, chưa phong phú. Nhưng đến thời điểm này, nhu cầu sử dụng trái cây chế biến của khách hàng tăng cao nên Vinamit đã tăng chủng loại sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
 
Cũng từ đây, thị trường nội địa có thể sử dụng các loại sản phẩm trái cây chế biến có chất lượng tương đương với xuất khẩu. Vinamit không phân biệt dòng sản phẩm cung cấp cho từng thị trường nội địa hoặc xuất khẩu, các khách hàng dù ở đâu cũng đều được tôn trọng như nhau.
 
Hiện Vinamit có 8 dòng sản phẩm trái cây chế biến như trái cây đông lạnh, trái cây sấy dẻo, trái cây sấy chân không, trái cây sấy phủ sô cô la, trái cây sấy lạnh, trái cây sấy gia vị, các loại kẹo trái cây. Những sản phẩm trái cây phục vụ cho các dòng sản phẩm này chủ yếu là trái cây của Việt Nam như thanh long, chuối, mít, sầu riêng, dưa hấu, bơ, dâu,…

Nguồn nguyên liệu phục vụ cho các doàng sản phẩm trái cây chế biến của Vinamit được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và tiêu chuẩn sản phẩm an toàn của châu Âu. Toàn bộ nguồn nguyên liệu trái cây cũng được cấp mã số hữu cơ quốc tế.
 
Mới đây, Công ty cổ phần Lavifood đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến trái cây trên diện tích 15 ha tại tỉnh Tây Ninh. Nhà máy đầu tư công nghệ hiện đại với các dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi xử lý nhiệt có công suất 10.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm.
 
Dự kiến, khoảng cuối năm 2018, nhà máy Lavifood sẽ đi vào hoạt động, chế biến khoảng 500 tấn nguyên liệu/ngày. Ngoài cung ứng các sản phẩm chế biến cho thị trường nước ngoài, sản phẩm của Lavifood sẽ lưu thông tại các hệ thống siêu thị Co-opmart. Như vậy, bằng cách tăng giá trị sản phẩm trái cây, sẽ giúp cho người nông dân Tây Ninh tăng thu nhập từ 1.500 USD/năm lên khoảng 5.000 USD/năm.
  Hồng Nhung
  Bài 2:  Nền tảng thúc đẩy xuất khẩu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm