Trà Vinh xuất khẩu sản phẩm "Gạo Quê tôi"

Trà Vinh xuất khẩu sản phẩm "Gạo Quê tôi"

Nhiều nông dân trồng lúa ở vùng nước lợ của các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành (Trà Vinh) rất phấn khởi khi thương hiệu "Gạo Quê tôi", sản phẩm OCOP hạng 3 sao đã được Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên Trà Vinh ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, liên kết cùng một số công ty ngoài tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và có nhiều khả năng xuất sang thị trường một số nước khác.

Trà Vinh xuất khẩu sản phẩm "Gạo Quê tôi"  ảnh 1Dây chuyền đóng gói tự động sản phẩm “Gạo Quê tôi” tại Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên Trà Vinh. Ảnh: baotravinh.vn

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên Trà Vinh cho biết, sản phẩm "Gạo Quê tôi" được sản xuất từ giống lúa cấp xác nhận ST25 và canh tác phương thức hữu cơ. Hầu hết nông dân được doanh nghiệp ký kết hợp đồng sản xuất bao tiêu áp dụng mô hình lúa – tôm tại các vùng nước lợ trong tỉnh, tăng thêm thu nhập.

Sản phẩm "Gạo Quê tôi" ngoài sản xuất theo hướng hữu cơ còn được chế biến trên hệ thống dây chuyền đóng gói tự động, tạo ra sản phẩm đồng nhất, chất lượng hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của những thị trường khó tính. Hiện Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên Trà Vinh ký kết cùng nông dân sản xuất giống lúa ST 25 hữu cơ hơn 1.000 ha, cung ứng "Gạo Quê tôi" cho thị trường trong nước và Trung Quốc từ 3.000 - 3.500 tấn/vụ.

Trà Vinh xuất khẩu sản phẩm "Gạo Quê tôi"  ảnh 2Nhân viên cung ứng sản phẩm “Gạo Quê tôi” cho khách hàng khu vực thành phố Trà Vinh. Ảnh: baotravinh.vn

Ông Lê Phúc Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết, Hợp tác xã đang liên kết sản xuất lúa ST25 hữu cơ với Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên Trà Vinh và năm 2023, các thành viên hợp tác xã tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất.

Thông qua qua liên kết sản xuất cùng doanh nghiệp, ngoài giảm được chi phí phân bón hóa học nhờ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân được bao tiêu với giá thu mua cao hơn lúa khác từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, đạt lợi nhuận bình quân khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha/vụ.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm