Gạo ST25 và câu chuyện bảo hộ thương hiệu Việt

Gạo ST25 và câu chuyện bảo hộ thương hiệu Việt

Thời gian gần đây, gạo ST25 của Việt Nam liên tiếp bị đăng ký thương hiệu tại Mỹ và Australia khiến câu chuyện càng trở nên nóng hơn về loại gạo ngon nhất thế giới này. Đây không phải lần đầu tiên thương hiệu sản phẩm của Việt Nam bị "đánh cắp" mà là sự nối dài chuỗi câu chuyện xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Việt. Trước đó, không ít doanh nghiệp cũng từng ngẩn ngơ khi đứa "con đẻ" của mình bị "đánh cắp" và chuyển khẩu ngay trước mắt, song lực bất tòng tâm. Chính vì vậy, đó là hồi chuông cảnh tỉnh với từng cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp và phải coi thương hiệu như tài sản trí tuệ để có chiến lược bảo vệ, giữ gìn thương hiệu ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Mất bò mới lo làm chuồng

Nổi lên được khoảng 2 năm nay về loại gạo được đánh giá là ngon nhất thế giới, thế nhưng gần đây câu chuyện này càng trở nên nóng hơn khi liên tiếp một số doanh nghiệp tại Mỹ và Australia đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu gạo ST25.

Lật lại câu chuyện thương hiệu Việt, một thời gian dài trước đây sản phẩm của Việt Nam chủ yếu được bán qua khâu trung gian bởi hầu hết doanh nghiệp chỉ biết bán hàng, còn thương hiệu hay đăng ký nhận diện thương hiệu, đăng ký bảo hộ vẫn còn loay hoay và chưa thực sự quan tâm đúng mức.

Chính vì vậy, từ bánh phồng tôm Sa Giang, nước mắm Phú Quốc, võng xếp Duy Lợi đến cà phê Trung Nguyên hay kẹo dừa Bến Tre liên tục phải chịu trận vì sự chậm trễ trong việc bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài.

Đây cũng là kẽ hở để các đối tác nước ngoài "đánh cắp" bản quyền thương hiệu, trong khi nhãn hiệu hàng hóa là một tài sản trí tuệ quý giá, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh.

Tiếc thay đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dù có tên tuổi trong nước chứ chưa nói đến doanh nghiệp nhỏ vẫn tỏ ra mơ hồ vì cho rằng đã đăng ký thương hiệu tại Việt Nam thì đương nhiên sẽ được bảo hộ trên toàn cầu. Đặc biệt, họ không hề biết rằng có đến hàng trăm loại bảo hộ thương hiệu khác nhau, với quyền hạn và phạm vi áp dụng khác nhau.

Điều này cũng lý giải vì sao đến nay gạo xuất khẩu của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Anh đều mang thương hiệu của nhà phân phối, không mang thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu do trong môi trường cạnh tranh các doanh nghiệp Việt thường sẵn sàng chấp thuận xuất khẩu gạo không có thương hiệu và để cho nhà phân phối sử dụng thương hiệu riêng.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, câu chuyện của gạo ST25 không phải là mới mà đã diễn ra khá phổ biến trong những năm qua. Về bản chất, đây là một trường hợp có nguy cơ xảy ra tranh chấp về bảo hộ sở hữu trí tuệ trên thị trường xuất khẩu vì khi một sản phẩm chất lượng, năng lực cạnh tranh tốt, thương hiệu có giá trị và uy tín sẽ luôn có nguy cơ bị xâm hại trên thị trường.

Theo ông Vũ Bá Phú, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn hạn chế trong nhận thức về vai trò của thương hiệu nên chưa xây dựng chiến lược marketing bài bản để bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp.

Mặt khác do hạn chế về nguồn lực như nhân lực và tài chính khiến doanh nghiệp chưa thể thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho các sản phẩm trên một hoặc tất cả các thị trường xuất khẩu.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp và phát triển, gìn giữ thương hiệu cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam là việc làm cần thiết và phải được chú trọng.

Dẫu vậy, chưa có nhiều doanh nghiệp ý thức tốt về vấn đề này bởi quá trình xây dựng thương hiệu Việt vẫn còn loay hoay và đối diện với không ít thách thức do doanh nghiệp trong nước còn ở quy mô nhỏ bé, đơn lẻ. Hơn nữa, chất lượng, an toàn và năng lực cạnh tranh của số đông doanh nghiệp Việt còn hạn chế nên cũng chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, đa phần doanh nghiệp Việt cũng chưa đủ nhận thức và hiểu biết để coi thương hiệu là công cụ kinh doanh đúng nghĩa và chưa có sự đầu tư thích đáng cho việc phát triển thương hiệu.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trải qua không ít sự vụ liên quan tới bảo vệ thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam mà gần đây nhất là sản phẩm gạo ST24, ST25..,. thêm một lần nữa cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc lựa chọn chiến lược bền vững để phát triển thương hiệu Việt.

Dù chậm nhưng chưa muộn, Tập đoàn PAN và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí vừa thỏa thuận hợp tác về việc ủy quyền đại diện làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 tại các thị trường quốc tế trọng điểm về xuất khẩu gạo thương hiệu và Tập đoàn đang gấp rút thực hiện thủ tục bảo hộ tại các thị trường này.

Các chuyên gia kỳ vọng Tập đoàn sẽ tiến hành các bước đi phù hợp, tuân thủ luật pháp nước sở tại để phản đối, cung cấp những căn cứ, bằng chứng chứng minh nguồn gốc, tên gọi nhãn sản phẩm cũng như kết hợp với các cơ quan chức năng, cộng đồng, Hiệp hội doanh nghiệp lên tiếng để nhận diện các hành vi này và cùng có các hành động chung tay bảo vệ thượng hiệu Việt.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhận định về nhận diện thương hiệu Việt tại thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng Giám đốc công ty T&A Ogilvy kiêm Chủ tịch Học viện MVV cho hay, trong rất nhiều năm ở một số thị trường có tính bảo hộ cao như thị trường châu Âu, Mỹ, các thương hiệu Việt Nam hầu như không có nhận diện về thương hiệu hoặc sẽ bị các thương hiệu khác lấy mất thương hiệu của mình hay phải bán thông qua các thương hiệu khác. Do vậy, vị thế của thương hiệu Việt tại thị trường nước ngoài còn khá yếu, trừ những thương hiệu lớn.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, để xây dựng và bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp phải tìm ra điểm đặc sắc của mình và phải kiên trì vì thương hiệu. Bởi đây không phải vấn đề có thể xây dựng trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ, lâu dài.

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại tại Anh cho rằng, để có thể tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa và tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường Anh cũng như các thị trường lớn khác, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.

Cùng với đó, chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm và gắn với địa danh nơi trồng lúa như gạo Sóc Trăng Việt Nam hay tên người tạo ra giống lúa như gạo Ông Cua để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài. Với gạo ST25 tuy đã được giải thưởng là gạo ngon nhất thế giới năm 2019, nhưng rất ít người dân Anh biết đến và không có nhiều hiệu quả marketing trên thị trường Anh.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khẳng định, tới đây Cục sẽ đề xuất Chính phủ một quy chế phối hợp giữa ba bộ (Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có những tư vấn, hướng dẫn mọt cách bài bản cho các doanh nghiệp, ngành hàng.

Cùng với việc thương hiệu gạo quốc gia VIETNAM RICE đã thực hiện đăng ký bảo hộ quốc tế trên Hệ thống Madrid (62 nước), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ và làm việc với các bộ, ngành liên quan để có các quy chế sử dụng cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Hiệp hội được hưởng quyền lợi từ thương hiệu quốc gia VIET NAM RICE bên cạnh thương hiệu của doanh nghiệp. Qua đó, giúp quảng bá sâu hơn tầm quan trọng của một thương hiệu trên mỗi bao bì sản phẩm khi xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại đã có rất nhiều chương trình tập huấn, cung cấp chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp như nâng cao nhận thức, hiểu biết về phương thức, quy trình để bảo vệ thương hiệu cũng như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho sản phẩm.

Đặc biệt, trong hệ sinh thái này cũng giới thiệu các chuyên gia có năng lực liên quan đến việc đăng ký, bảo vệ, bảo hộ cho thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Việc phòng và bảo vệ bao giờ cũng hiệu quả hơn việc giải quyết tranh chấp khi đã xảy ra.

Theo ông Vũ Bá Phú, với 55 thương vụ trải đều các thị trường xuất khẩu quan trọng, nếu xảy ra tranh chấp Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp với các Tham tán thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục cần thiết và giới thiệu các chuyên gia có năng lực tư vấn cho doanh nghiệp.

Đối với sự việc liên quan đến gạo ST25, Cục Xúc tiến thương mại đã liên hệ và giới thiệu cho ông Hồ Quang Cua một số chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm để khẩn trương đăng ký và hoàn thành hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST25 trên thị trường Hoa Kỳ nhằm cung cấp những minh chứng với hy vọng được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ một cách hợp pháp.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm