Thương hiệu quốc gia khẳng định giá trị doanh nghiệp

Thương hiệu quốc gia khẳng định giá trị doanh nghiệp

Giai đoạn 2020 đến năm 2030, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để triển khai chương trình trong giai đoạn mới, ngày 8 tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020-2030.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2534/QĐ-BCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trải qua gần 17 năm phát triển, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 và Lễ Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam dự kiến vào cuối tháng 11 năm 2020.

So với 6 kỳ xét chọn trước đó, kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, một trong những điểm sáng trong việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình năm nay đã thu hút được một số thương hiệu có tiếng trên thị trường lần đầu đăng ký tham gia như VnPay, Mobifone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan…

Không những vậy, một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam – Gelex, Tập đoàn BRG.

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, việc ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 và Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng hơn liên quan đến cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện chuỗi các hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông cũng như truyền hình trên cả nước.

Cùng với đó, Bộ Công Thương còn phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, các sự kiện ngoại giao ở nước ngoài.

Mục tiêu của Chương trình từ nay đến năm 2030 sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước.

Ngoài ra, góp phần tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Đáng lưu ý, chương trình cũng đề ra mục tiêu mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

Hơn nữa, 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư;100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng tại nhiều quốc gia, khu vực trên toàn thế giới và tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước; trong đó có Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị gián đoạn một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… những ngành phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài.

Do đó, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Tham tán Thương mại tích cực tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá ngành hàng ở địa bàn; xây dựng và thực hiện các chương trình quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và sản phẩm Thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông quốc tế và trên các địa bàn xuất khẩu chủ lực, địa bàn mục tiêu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam và thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước.

Hơn nữa, Bộ Công Thương thực hiện các hoạt động tư vấn gián tiếp và trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng được hệ thống tiêu chí của chương trình; đặc biệt, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, thương hiệu sản phẩm được lựa chọn và xây dựng các sản phẩm truyền thông.

Mặt khác, Bộ Công Thương phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh; tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn trong nước nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định các giải pháp này ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và tăng cường giao dịch thương mại còn góp phần củng cố, gia tăng sức mạnh sản phẩm để thương hiệu Việt Nam trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm