Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy một con dao được làm từ xương động vật có niên đại tới 90.000 năm tại Morroco. Ảnh: archaeology.org |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn nguồn từ tạp chí khoa học Plos One, con dao được các nhà khảo cổ Morroco tìm thấy trong một hang đá tại khu vực duyên hải phía Bắc tiếp giáp với Đại Tây Dương. Hiện vật cổ dài 13 cm này được cho là làm từ xương sườn của một loài động vật có vú có kích thước khá lớn sống vào thời kỳ đó.
Giáo sư khảo cổ Bouzouggar (Bu-du-ga) thuộc Viện Khảo cổ quốc gia Morroco và đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết phát hiện này cho thấy những cư dân sống trong hang động tại khu vực Bắc Phi có khả năng chế tạo ra dụng cụ tinh xảo ở niên đại sớm hơn nhiều so với những suy đoán trước đó, thậm chí là sớm hơn tới 40.000 năm trước khi giống người Neanderthal tuyệt chủng.
Con dao xương này được xem là dụng cụ cổ xưa nhất thuộc văn hóa Aterian – thời kỳ nở rộ của kỹ nghệ chế tác dụng cụ từ đá của cư dân khu vực Bắc Phi sống trong thời đại Đồ Đá. Tuy nhiên, với hình dáng được chế tác tinh xảo, đây là tác phẩm có nhiều điểm khác biệt so với các dụng cụ được chế tác tại khu vực phía Nam xa mạc Sahara trong cùng thời gian đó. Điều này cho thấy cư dân cổ đại sinh sống tại khu vực Bắc Phi có trình độ gia công vật liệu tốt hơn so với các cư dân phía Nam.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Silvia Bello (Xin-vi-a Bê-lô) từ Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London, việc tìm thấy con dao này cho thấy loài người đã sở hữu công nghệ sản xuất dụng cụ từ xương một cách tinh xảo từ 100.000 năm trước. Dựa vào hình dáng và góc mài của con dao này, tiến sĩ Silvia cho rằng đây là dụng cụ dùng để cắt những vật liệu mềm và có độ đàn hồi cao.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, khả năng chế tạo dụng cụ phức tạp từ xương động vật – vật liệu đòi hỏi trình độ cao hơn hẳn trong gia công so với vật liệu đá, cho thấy rằng cách đây gần 100.000 năm, giống người tinh khôn (homo sapiens) đã bắt đầu phát triển năng lực nhận thức cũng như khả năng điều khiển đôi tay một cách thuần thục.
Phi Hùng