Tiền Giang nhân rộng hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản

Tiền Giang nhân rộng hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đồi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Tiền Giang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tiền Giang nhân rộng hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản ảnh 1Mô hình trồng rau trong nhà lưới hạn chế rau bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Trọng tâm của chương trình là nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương. Từ đó, đưa kinh tế tập thể mà nòng cốt là mạng lưới các hợp tác xã cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc; tạo động lực cho sự phát triển bền vững địa phương trong giai đoạn phát triển mới.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Tiền Giang phấn đấu bình quân mỗi năm thành lập mới thêm 5 hợp tác xã để đến năm 2025 có khoảng 195 hợp tác xã nông nghiệp và đến năm 2030 nâng lên khoảng 220 hợp tác xã nông nghiệp. Số thành viên và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp tăng bình quân 5%/ năm; doanh thu và lãi bình quân của mỗi hợp tác xã tăng 5%/năm và thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 4-5 triệu đồng/ người/ tháng.

Dự kiến đến năm 2030, Tiền Giang xây dựng được ít nhất 50 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực địa phương như rau an toàn, gạo chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, sản phẩm chăn nuôi... Đồng thời, với hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; kiện toàn cơ sở vật chất và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…

Để đạt mục tiêu, tỉnh tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể đến 100% số dân trong tỉnh; nâng tỷ lệ khoảng 80% cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển hợp tác xã trong thời kỳ hội nhập…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Mẫn, để tạo chuyển biến mới trên lĩnh vực kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, Tiền Giang tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong lãnh đạo và chỉ đạo phát triển kinh tế, hợp tác xã.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý để kinh tế tập thể phát triển, đồng thời với thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với sự phát triển vững chắc của nền nông nghiệp hàng hóa.

Mặt khác, củng cố và nâng cao chất lượng sản xuất – kinh doanh của các hợp tác xã theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; lựa chọn và nhân rộng những mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến. Đồng thời, huy động tốt các nguồn lực xã hội phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như hỗ trợ mạng lưới các hợp tác xã trên lĩnh vực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Từ đó, gắn phát triển hợp tác xã với đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết, từ năm 2001 đến nay, địa phương đã thành lập mới được 160 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp hiện có lên 166 hợp tác xã với 40.781 thành viên. Các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực trồng trọt, nông nghiệp tổng hợp, cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản,…Qua đó, giải quyết công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/ tháng.

Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở vật chất hạ tầng hợp tác xã. Do đó, đến nay toàn tỉnh có 50 hợp tác xã tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP, 4 hợp tác xã tham gia dự án trồng lúa ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, tỉnh đã có 100 lượt hợp tác xã tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong ngoài nước nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản Tiền Giang và sản phẩm đặc trưng của các hợp tác xã; 20 hợp tác xã tham gia các dự án chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất – chế biến nông sản.

Trong hai năm 2019 – 2020, tỉnh có 35 hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư 42 công trình kiện toàn cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 32 tỷ đồng theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt, Tiền Giang đã định hình được một số mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị trên cây trồng chủ lực như: Hợp tác xã chăn nuôi - thủy sản Gò Công liên kết doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi giá trị trên con gà ta Gò Công, các hợp tác xã rau an toàn ở thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây liên kết xây dựng chuỗi giá trị trên cây rau an toàn VietGAP, Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) trên cây lúa chất lượng cao, Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) trên cây thanh long xuất khẩu...cùng các mô hình đang được nhân rộng trong giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương.

Qua đánh giá thực tế mới đây tại 129 trong tổng số 166 hợp tác xã nông nghiệp hiện có trên địa bàn, số hợp tác xã xếp loại tốt chiếm 5,4%, loại khá chiếm 18,7%, loại trung bình 48,8% và loại yếu kém chỉ chiếm 4,8%.

Theo lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang, năm 2021 mặc dù dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần vượt khó, biến thách thức thành cơ hội phát triển, nhất là tăng tốc sản xuất – kinh doanh các tháng cuối năm khi địa phương chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ, mạng lưới các hợp tác xã trên lĩnh vực nông – lâm – thủy sản tại tỉnh đạt kết quả khả quan.

Ước tính, tổng doanh thu các hợp tác xã trên lĩnh vực này đạt gần 376 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2020 và đạt 103,34% kế hoạch năm 2021. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế đạt 13,4 tỷ đồng, tăng 5,51% so với cùng kỳ 2020, đạt 100,75% kế hoạch năm 2021.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm